Tính cách và hành vi của trẻ

Trẻ em và những nỗi sợ hãi

Các bạn trẻ con thường có rất nhiều những nỗi sợ hãi không tên và có tên rất rất buồn cười, có bạn thì sợ những thứ rất bình thường như là sợ con thú bông, sợ cái bóng đèn, sợ cái ghế… bạn khác thì sợ những thứ “đáng sợ” hơn như sợ bạn gián, bạn chuột, bạn nhện, sợ tiếng máy khoan, sợ bác sỹ, sợ bóng tối… có bạn rất ít khi sợ và có bạn thì dường như sợ tất cả mọi thứ. Đặc biệt trong tầm khoảng 2-3 tuổi các bạn dường như bị SỢ RẤT NHIỀU, thậm chí một vài bạn đêm ngủ tỉnh giấc khóc thét và nói CON SỢ vì bạn nằm mơ.

Mình đã gặp rất nhiều phụ huynh than thở rằng con rất nhát, rất hay sợ hãi “vớ vẩn”, thậm chí sợ cả cô dì chú bác ông bà… và lấy làm phiền lòng. Đồng thời mình cũng rất thường xuyên chứng kiến các ông bố bà mẹ “xử lý” những nỗi sợ hãi này của các bạn bé bằng cách nói “ôi dào, có gì đâu mà sợ”?? Dường như các ba mẹ quên đi mất một điều rằng thì là mà hồi chúng mình còn bé tí, chúng mình cũng sợ y chang như các bạn ý bây giờ, thậm chí có những ba mẹ vẫn còn sợ hãi cho đến tận lớn lên và mãi về sau này đến khi già khọm (đầy mẹ sợ chuột, sợ gián, sợ mèo, sợ tùm lum, mình biết có anh kia gần 40 tuổi mà vẫn sợ ma nữa)… Và thực sự câu nói “CÓ GÌ ĐÂU MÀ SỢ” không hề làm cho bé cảm thấy bớt sợ hãi, mà thậm chí còn đẩy bé vào nỗi sợ lớn hơn vì cảm giác KHÔNG ĐƯỢC THÔNG CẢM, cảm giác ba mẹ không hiểu mình, cảm giác cô đơn 1 mình chống chọi với nỗi sợ của chính mình.
Nỗi sợ hãi là một thứ rất trừu tượng và khó giải thích và thường thì nó là sản phẩm của trí tưởng tượng quá phong phú kết hợp cùng với một trải nghiệm đã từng xảy ra nào đó. Đặc biệt với các bạn trong khoảng gần 2-3 tuổi là giai đoạn phát triển vượt bậc về trí tưởng tượng và khả năng ghi nhớ, liên kết thì nỗi sợ hãi cũng theo đó trở nên vô cùng phong phú và đôi khi có phần “quái dị” ^^. Nói với con “ĐỪNG SỢ” “KHÔNG CÓ GÌ PHẢI SỢ” không thể làm cho bé thôi tưởng tượng và thôi liên kết sự việc.
1. SỢ BÁC SỸ
Có những bé rất sợ đi bác sỹ, đó là 1 nỗi sợ có thật từ một sự việc có thật mà đáng buồn là lại được sự tiếp tay rất tích cực của người lớn bao gồm ba mẹ ông bà trẻ, những người xung quanh trẻ và thậm chí cả các bác sỹ y tá ở bệnh viện. Mình biết rất nhiều ra đình thường lấy việc “Đi bác sỹ khám/tiêm” làm lời để dọa trẻ. “Con không nghe lời mẹ sẽ cho con đi gặp bác sỹ để bác sỹ tiêm vào tay đau lắm”… và lúc này trong đầu bé đã tưởng tượng ra hình ảnh các bác sỹ với cây kim tiêm như là ác quỷ với cây giáo sắt nhọn vậy, như thế hỏi sao bé không sợ bác sỹ?
Có những gia đình khác thì ngược lại, mỗi lần con đi khám bác sỹ, đi tiêm phòng… lại nói với con “Không sao đâu, tiêm không đau đâu, bác sỹ không đáng sợ đâu”… để cố gắng trấn an bé trước khi đi khám. Nhưng hãy thử tưởng tượng bạn là một em bé nhỏ xíu chiều cao chưa tới 1m, được ba mẹ dắt tới 1 nơi mà ba mẹ bảo là “không đáng sợ”, gặp một người “không đáng sợ” hoàn toàn xa lạ, cầm những thứ “ko sao đâu” hoàn toàn khác thường và lạnh toát dí vào người bạn, thọc vào miệng bạn, rồi còn cầm 1 cái kim tiêm nhọn hoắt hẳn là “không đau đâu” chọc vào tay chân bạn… BẠN CÓ SỢ KHÔNG? Thế mà ba mẹ mình lại còn bảo “không sợ đâu”…ba mẹ thật không đáng tin :/
Vấn đề đặt ra ở đây, vậy cuối cùng chúng ta nên làm gì?
–> Đầu tiên, trong mọi vấn đề, xin ba mẹ làm ơn: THÔNG BÁO TRƯỚC VỚI CON về sự việc sắp xảy ra. Ví dụ bạn sắp cho con đi khám bác sỹ, hãy báo với bé rằng “Ngày mai mẹ sẽ dẫn con đi bệnh viện để bác sỹ khám cho con nhé”, việc này giúp bé có thời gian để chuẩn bị tâm lý và chấp nhận sự việc, đừng có đùng đùng xách con tới bệnh viện mà ko hề thông báo nửa câu cho tới khi bác sỹ giơ kim tiêm lên.
—> Tiếp theo xin hãy CHẤP NHẬN và THÔNG CẢM với các CẢM XÚC CỦA TRẺ. Hãy chấp nhận một cách KHÔNG THÊM BỚT rằng thì là BÁC SỸ có vẻ đáng sợ, cây kim tiêm có vẻ sẽ rất đau, ở bệnh viện đông người cũng có vẻ là rất nguy hiểm. Và xin nhớ rằng “KHÔNG THÊM BỚT”, đừng có hù dọa bé, chấp nhận cảm xúc và thông cảm với nỗi sợ của bé KHÁC với việc hù dọa bé. Thay vì nói với bé “Tiêm vào tay là đau lắm đấy” hãy nói với bé rằng “mẹ nghĩ là có thể cây kim tiêm sẽ làm con đau một chút, nếu đau quá con có thể la lên hoặc khóc một chút”, thay vì nói với bé rằng “đi bệnh viện có gì đâu mà sợ” hãy miêu tả cho bé nghe “ở bệnh viện sẽ có rất nhiều người, là các bạn và ba mẹ các bạn cũng đến khám bệnh giống như con và ba mẹ, còn có các cô y tá và các bác sỹ là những người sẽ khám bệnh cho mình…” như vậy bé sẽ có thể hình dung ra được những sự việc sắp diễn ra để không cảm thấy quá ngợp và đáng sợ.
—> HÃY KHÍCH LỆ BÉ, “mẹ biết là con rất dũng cảm, con sẽ chỉ khóc một xíu nếu bị đau xong rồi thôi ha”và AN ỦI BÉ khi bé tỏ ra sợ hãi, đau đớn “Một chút xíu là sẽ hết đau thôi” “Mẹ ôm con một chút để con bình tĩnh lại nha”…
—> Hãy cùng bé chơi các trò chơi giả làm bác sỹ, khám cho ba mẹ, cho búp bê khi ở nhà và lồng ghép vào đó là giải thích cho bé nghe tại sao bác sỹ lại phải dùng ống nghe để nghe tim phổi của mình, tại sao bác lại dùng que đè lưỡi và soi vào họng mình, mũi, tai mình, khi nào thì phải đến gặp nha sỹ… Đối với các bé lớn 1 chút (tầm 3t trở lên) mẹ có thể cài các app trò chơi về khám bệnh, chữa răng miệng cho bé trên điện thoại, ipad hoặc cho bé xem các clip hoạt hình (như Peppa pig, Doc McStuffins …) hoặc các bài hát Simple song có clip minh họa để giúp bé làm quen, hiểu về phòng khám, công việc của bác sỹ và lý do tại sao mình cần phải đi khám chữa bệnh ở bệnh viện ^^.
Về cơ bản, mỗi em bé là một bản thể khác nhau, cá tính khác nhau, có bé rất dũng cảm và rất nhanh chóng thích nghi với môi trường xung quanh, có bé nhút nhát hơn, sợ hãi hơn và bạn phải kiên trì thực hiện các bước của cả một quy trình trong thời gian rất dài cho tới khi bé chấp nhận được sự việc, nhưng hãy luôn tập một thói quen nói chuyện với con một cách nghiêm túc về mọi thứ và luôn chuẩn bị tâm lý cho con trước mọi sự thay đổi dù là nhỏ nhất. Bạn Nhím là một cô bé khá mạnh dạn và thích nghi nhanh, nhưng mình cũng phải cần tới cả năm trời, đi bệnh viện tới cả mười mấy lần mới dần dần làm cho bạn cảm thấy không sợ đi khám bệnh, không khó chịu khi bị y tá, bác sỹ dùng các thiết bị tác động lên cơ thể… Chẳng có biện pháp nào được gọi là thần dược một phát ăn ngay cả, nhưng nếu bạn kiên trì đi đúng hướng thì bé sẽ sớm vượt qua được nỗi sợ của mình, nếu bạn đi sai hướng có thể bé sẽ sống với nỗi sợ cả đời…
2. Sợ các con vật nhỏ xíu xìu.
Có một nỗi sợ rất phổ biến ko chỉ ở các bạn trẻ con mà mình biết là đến 80% chị em phụ nữ lớn rồi vẫn còn sợ, ấy là nỗi sợ các con vật bé tí tẹo tèo teo như gián, chuột, côn trùng, thạch sùng ..:D. Nói chung các bà các cô thì mình ko dám bàn luận, vì nỗi sợ này đã đi theo các chị em cả 18 năm có lẻ rồi (chị em lúc nào cũng thích số 18 khi nói về tuổi tác ý ^^) nên là vô phương cứu chữa. Nhưng việc các bà các mẹ sợ bọn chuột bọ gián mối thì chẳng liên quan gì tới các bạn con nít cả, các bạn ý có quyền được lớn lên mà ko sợ hãi bất cứ thứ gì.
Lỗi phổ biến nhất của nỗi sợ hãi “nhỏ nhoi” này chính ra lại xuất phát từ chính ông bà, cha mẹ trẻ, chúng ta thường vô tình trước mặt trẻ tỏ vẻ vô cùng sợ hãi và ghét bỏ các con vật nhỏ nhoi này, kiểu như là “EO ÔI GIÁN, GỚM QUÁ”, “Ôi hồi nãy mẹ thấy con chuột ba ạ, sợ gần chết”… Ừ thì đành rằng mấy bạn này rất kinh và rất đáng ghét, nhưng SỢ lại là một khái niệm khác và mình thì hoàn toàn không muốn con mình phải cảm thấy SỢ mấy cái bạn đáng ghét nhỏ xíu xìu ấy.
Ở nhà mình có một quy luật bất thành văn rất buồn cười, ấy là tất tần tật mọi thứ đều được gọi là “BẠN”, bạn gà bạn vịt bạn chó bạn mèo, bạn bàn bạn ghế bạn tủ.. và đương nhiên, tất cả các BẠN đều giống như chúng ta, đều có cảm xúc, đều biết buồn, biết đau, biết sợ… (Nên khi bạn Nhím va đầu vào tường, mẹ chưa kịp nói gì thì bạn đã quay ra nói với bạn tường “xin lỗi bạn tường nha” ^^). Có một dạo bạn Nhím rất sợ mấy bạn gián, nhìn thấy gián bò bò là hét ầm lên xong chạy bạt mạng, có hôm còn vấp té khóc um sùm. Một hôm mẹ mới ngồi xuống và hỏi Nhím sau khi Nhím mới hét lên vì thấy gián:
Sao mà con hét vậy Nhím?
– Con sợ bạn gián :((
– Ồ, con nhìn thấy bạn gián đen đen bò bò nên con sợ quá phải không?
– Dạ 🙁
– Ồ thế thì cũng đáng sợ đấy. Thế nhưng bạn gián làm gì con mà con sợ nhỉ? Bạn có dọa con không? (Mẹ nhe răng làm mặt ma dọa bạn để minh họa)
– Dạ không…
– Ồ, thế bạn có cắn Nhím không? (Mẹ giả vờ cạp cạp bạn)
– Dạ không…
– Thế bạn Nhím với bạn gián thì bạn nào to hơn nhỉ?
– Con to hơn bạn gián (bắt đầu hiểu hiểu)..
– Ồ thế con to hơn bạn gián, con to đùng luôn, mà bạn gián không cắn con, bạn ý cũng không dọa con, bạn ý chỉ bò bò bò đi kiếm đồ ăn thôi ý vì bạn ý đói quá… Thế thì bạn gián sợ con hơn hay con sợ bạn gián hơn nhỉ?
– Bạn gián sợ con hơn vì con to đùng, con còn hét lên nữa thế là bạn gián sợ quá bạn gián chạy trốn mất tiêu….
– Ồ đúng rồi, thế thì bây giờ con còn sợ bạn gián không?
– Con không sợ bạn gián nữa, con to hơn bạn gián, bạn gián sợ con ^^.
(Sau đó thì có thêm cuộc hội thoại là vì sao bà nội ghét các bạn gián, kiến, chuột…)
Và từ đó bạn Nhím không còn sợ bạn gián, bạn thạch sùng, các bạn côn trùng và thậm chí cả bạn chuột nữa ^^.
Tất nhiên, mình lại nhắc lại, mỗi em bé là một bản thể khác nhau, và khi nói chuyện với bé bạn phải hiểu được cá tính của con mình như thế nào, mức độ chấp nhận “sự thật” và “sự hư cấu” như thế nào (bạn Nhím là trường hợp rất thích các câu chuyện “hư cấu hợp lý”, một số bạn như bạn Nhí thì yêu cầu sự thật 100% mới chịu nhé) và thời gian để chấp nhận sự việc là nhanh hay lâu… và đi kèm với đó luôn là SỰ TÔN TRỌNG, CHẤP NHẬN CẢM XÚC của con và SỰ KIÊN TRÌ của ba mẹ. Và nên nhớ, không sử dụng câu “CÓ GÌ ĐÂU MÀ SỢ” nhé.
3. Sợ tiếng ồn
Có rất nhiều bạn nhỏ nhạy cảm với âm thanh và tiếng ồn, và đôi khi nó biến thành nỗi sợ hãi. Bạn Nhí nhà mẹ Trang có một dạo rất sợ tiếng máy khoan. Hôm ấy lại là đợt mới mở shop, cuối tuần 2 mẹ nhờ 2 ba ra shop khoan tường bắc kệ gỗ hộ, tất nhiên rất ồn ào và “đáng sợ”. Mỗi khi ba bật máy khoan lên là bạn Nhí co rúm người lại, trốn vào một góc và khóc òa, run rẩy rất thương. Bạn Nhím thì trái lại không sợ sệt gì, chỉ kêu “nhức đầu”. Ban đầu thì mình nhờ bạn Nhím chạy lại ôm bạn Nhí để bạn Nhí đỡ sợ, cách này hiệu quả được chút xíu vì vốn bạn Nhím là chỗ dựa niềm tin vô cùng vững chãi của Nhí, nhưng khổ nỗi bạn Nhím lại ko hề thích thú với trò ôm ấp, an ủi này lâu, thế là bạn bỏ mặc Nhí chạy đi chơi ^^.
Mình lại nghĩ ra cách khác, mình hỏi Nhí:
Con sợ bạn máy khoan phải không Nhí? (Gật gật). Sao con lại sợ bạn máy khoan? Vì bạn máy khoan kêu to quá nên con thấy sợ phải không? (Gật gật). Vậy giờ mình sẽ kêu to hơn bạn máy khoan để bạn máy khoan sợ mình luôn có được không?
Sau đó mình rủ cả bạn Nhím lại cùng, rồi nói với 2 bạn là khi nào bạn máy khoan kêu thì chúng mình sẽ cùng hét lên thật to, to hơn cả bạn máy khoan luôn. Rồi mình cũng dặn ba là khi nào ba chuẩn bị khoan thì ba hãy báo cho chúng mình biết trước để chúng mình còn chuẩn bị hét nhé. Thế là sau đó, mỗi khi ba khoan 1 lỗ là cả 3 mẹ con cùng hét lên… Hét giúp giải tỏa tâm lý, nỗi buồn và nỗi sợ hãi cực kỳ tốt, thêm vào đó mình còn giúp bạn Nhí thấy rằng chúng mình hoàn toàn có thể vượt qua được nỗi sợ hãi bằng cách này hoặc cách khác. Trong ngày hôm đó, lúc đầu mình hét cùng 2 bạn, rồi hỏi lại 2 bạn là mình hét to hơn hay bạn máy khoan kêu to hơn nhỉ? Bạn máy khoan còn đáng sợ ko nhỉ? Rồi dần dần mình để cho bạn Nhím và bạn Nhí tự quản và tự hét, qua vài lần sau đó nữa thì dần dần bạn Nhí đã không còn bị sợ tiếng máy khoan hay những âm thanh ồn ào khác.
4. Sợ bóng tối.
Một số bạn bé gặp phải nỗi sợ bóng tối, nhất là một số bạn ngủ ở phòng riêng sẽ hay xảy ra tình trạng đòi được bật đèn khi ngủ, hoặc nửa đêm thức dậy khóc la và đòi vào ngủ chung với ba mẹ vì con sợ bóng tối.
Việc sợ bóng tối cũng được coi là bình thường đối với trẻ em từ khoảng 2 tuổi trở đi khi mà trí tưởng tượng của bé trở nên vô cùng phong phú, bé cũng bắt đầu rất thích những trò chơi “đóng vai” nhưng lại chưa đủ nhận thức để hiểu được sự khác nhau giữa thế giới thật và những điều tưởng tượng. Và lúc này, các bạn ý có thể nghĩ ra vô vàn những điều kinh dị khi màn đêm buông xuống kiểu như là một con rồng khổng lồ ở trong truyện sẽ đột nhiên xuất hiện và ăn thịt bạn ý… đặc biệt với các bạn hay được xem tivi, phim hoạt hình thì lại càng nghĩ ra nhiều thứ để sợ :).
Ngoài ra, một số thứ khác có thể tác động lên tâm tư tình cảm của các bạn nhỏ như là ba mẹ mới sinh thêm em bé, hoặc bạn mới phải chia tay với người nào đó thân thiết, bạn mới đổi lớp học… cũng có thể là bạn cảm thấy sợ sệt và không được an toàn. Và lúc đó, kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của mình, các bạn nhỏ sẽ sáng tạo nên vô vàn những điều đáng sợ khi bóng tối ập xuống.
Để giúp các bạn ý vượt qua sự sợ hãi bóng tối, ba mẹ nên nhớ:
– Không nên trêu chọc, giễu cợt hoặc phủ nhận sự sợ hãi của con. Và cũng đừng nên tỏ ra khó chịu, chán nản, bực bội khi thấy bé trở nên nhút nhát, sợ hãi vô cớ. Điều này chỉ càng làm cho bé cảm thấy mất niềm tin vào bạn và càng trở nên sợ hãi.
– Hãy thử kiếm cho bé một bạn thú bông mà bé thích để làm “người bảo vệ” cho bé. Nói với con rằng đây là “bạn chó dũng cảm” (ví dụ thế) sẽ bảo vệ con suốt đêm, sẽ không có thứ gì có thể làm hại con khi có bạn chó này ở cùng con. Vào ban ngày, ba mẹ có thể “chế” ra những câu chuyện liên quan tới “người bảo vệ” của bé và để bé cùng tham gia vào câu chuyện.
– Chấp nhận cho bé ngủ có bật đèn, nếu có thể thì ba mẹ hãy mua loại đèn điều chỉnh được độ sáng và sẽ trao đổi với bé xem lúc nào có thể hạ bớt độ sáng của đèn xuống, và khi nào bé sẵn sàng ngủ mà không cần bật đèn sáng.
– Đối với các bạn ngủ ở phòng riêng, rất dễ thấy là có giai đoạn các bạn sẽ tỉnh dậy giữa đêm và khóc lóc. Nhưng thay vì để con qua ngủ cùng phòng với mình, bạn hãy qua phòng con, cùng con xem xét mọi thứ “khả nghi”, ngồi lại với con một chút và khi cả 2 đã chắc chắn rằng không có gì “có vẻ đáng sợ” xảy ra thì quay trở lại ngủ. Việc bạn cho con vào ngủ chung giường ko hề làm cho bé cảm thấy bớt sợ hãi mà chỉ cho bé thấy là “ồ, căn phòng của mình thực sự rất đáng sợ, ngay cả ba mẹ cũng đồng ý với điều đó (nên mới cho mình qua phòng ba mẹ ngủ)”.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình về các nỗi sợ của các bạn nhỏ, mình biết rằng các bạn còn rất nhiều những nỗi sợ lặt vặt khác và hi vọng các ba mẹ có thể chia sẻ kinh nghiệm xử lý các tình huống này ở bên dưới comment, mình sẽ cố gắng update các chia sẻ của các mẹ để chúng mình cùng nhau vui vẻ vượt qua những nỗi sợ hãi này cùng các con. Trong bài viết này mình cũng chỉ nói đến những nỗi sợ thông thường của trẻ, còn các dạng nỗi sợ ám ảnh do bị bạo hành, bị ép buộc, bị đe dọa…. ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trẻ là một dạng nỗi sợ khác cần phải can thiệp của các bác sỹ tâm lý mình không đề cập tới ở đây.
Mình xin phép tóm tắt lại vài ý chính cần nhớ:
– Không nên thúc giục trẻ, không cố gắng phủ nhận nỗi sợ của trẻ (có gì đâu mà sợ, thôi nhanh lên sợ cái gì mà sợ…)
– KHÔNG NÊN HÙ DỌA TRẺ, không sử dụng bất cứ hình ảnh, sự việc, nhân vật hư cấu hay có thật nào để hù dọa trẻ. Thay vào đó hãy luôn giải thích nguyên nhân hệ quả cho trẻ một cách hợp lý, dễ hiểu.
– Tôn trọng và công nhận cảm xúc của trẻ. Trẻ có quyền được sợ hãi, được buồn, được tức giận, được khó chịu, được vui vẻ, phấn khích… đừng tạt gáo nước lạnh vào các cảm xúc của trẻ dù đôi khi nó hơi “kỳ lạ”. Hãy công nhận thay vì chỉ trích, hãy khích lệ, an ủi trẻ khi cần thiết và hãy cố gắng cùng trẻ tìm ra cách giải quyết hợp lý.
– Hơn tất cả, hãy HIỂU CON MÌNH, đừng so sánh trẻ với người khác, cũng đừng đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ. Hãy chấp nhận nếu bé là một đứa trẻ nhút nhát và hãy tìm cách để bé trở nên tự tin hơn chứ đừng thúc giục và ép buộc bé PHẢI tự tin.
– Và hãy THẬT KIÊN NHẪN ^^.
Chúc ba mẹ luôn vui vẻ và làm bạn với các nỗi sợ hãi của con.
Bubu Huong (Thanh Huong Ng)
Tags :
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

You cannot copy content of this page!

0
Hãy để lại lời nhắn hoặc câu hỏi bên dưới nhé!x
()
x
%d bloggers like this: