Ăn dặm
Tác hại của ĐƯỜNG đối với cơ thể trẻ em
Qua nhiều nguồn thông tin, chắc hẳn hầu hết chúng ta đều hiểu được tác hại của việc ăn nhiều đường. Thế nhưng không ít người lại có suy nghĩ chủ quan cho rằng đường có hại cho người lớn là chính chứ với trẻ con – cơ thể con chưa phát triển hết thì ăn đường chủ yếu gây sâu răng mà thôi. Thực tế hoàn toàn không như vậy. ĂN NHIỀU ĐƯỜNG là một trong những yếu tố cực kì có hại cho sức khỏe của trẻ bởi nó tác động đến không ít cơ quan trong cơ thể.
Hãy xem đường gây hại đến cơ thể trẻ như thế nào nhé!
So sánh lượng đường trong các loại đồ ăn hàng ngày.
1. Tác động tới răng
Một số vi khuẩn có hại tồn tại trong miệng cả người lớn lẫn trẻ em có thể tiêu thụ lượng đường mà chúng ta ăn. Kết quả là, hàm lượng axit mà chúng có thể sản sinh ra một cách bình thường sẽ tăng, phá hủy men răng của trẻ. Việc tiếp xúc với đường lâu ngày dẫn tới răng bị ăn mòn và thủ phạm chính là hàm lượng axit được tích tụ quá nhiều.
Khi đó, răng sẽ bị sâu. Một khi mảng bám lọt vào trong răng thông qua lỗ hổng đó, tình trạng trở nên sâu răng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới cả dây thần kinh, mạch máu, cuối cùng gây ra áp xe – hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ.
2. Tác động tới tim
Khi có quá nhiều đường được hấp thụ vào máu, nó khiến hàm lượng đường trong máu cao. Lúc đó, bất cứ lượng calo nào có trong đường sẽ được lưu trữ để dùng dưới dạng mỡ, dẫn tới béo phì.
Lượng mỡ này tích tụ nhiều trong động mạch, làm chúng dày lên và khiến máu khó lưu thông khắp cơ thể, tạo áp lực nặng nền lên tim. Một khi đường dẫn đến bệnh béo phì, nó cũng có thể đẩy trẻ em vào nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
3. Tác động tới hệ miễn dịch
Trẻ có hệ miễn dịch còn non yếu, có thể dễ dàng bị tác động xấu nếu có quá nhiều đường. Sau khi tiêu hóa 100g đường (tương đương lượng đường trong chai đồ uống có ga 1l), tế bào bạch cầu bị giảm hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn tới 40%.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, hệ miễn dịch của trẻ có thể bị suy giảm trong khoảng thời gian lên tới 5 tiếng đồng hồ sau khi ăn đường.
4. Tác động tới xương
Ngay cả khi đường gây ra tình trạng tăng cân ở trẻ nhỏ, chúng lại có thể đồng thời khiến trẻ bị SUY DINH DƯỠNG.
Đường chứa calo rỗng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không chứa những vitamin và dưỡng chất thiết yếu mà trẻ cần.
Vì thế, ăn quá nhiều đường hoàn toàn có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng. Những vitamin như canxi, vitamin D đóng vai trò quan trong trong việc phát triển xương. Nếu thiếu hút, xương sẽ bị xốp và hệ quả là trẻ mắc bệnh xốp xương.
5. Tác động tới tuyến tụy
Chế độ ăn nhiều đường có thể tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, thông qua tình trạng thừa cân. Nếu điều đó xảy ra, chu kỳ cứ thế tiếp diễn: quá nhiều đường được hấp thụ vào cơ thể dẫn tới béo phì; thừa cân dẫn tới áp lực lên tụy – cơ quan chịu trách nhiệm sản sinh insulin.
Cuối cùng, tụy không sản sinh đủ insulin để duy trì lượng đường trong máu ở mức thông thường. Thiếu hụt insulin và đường huyết thiếu ổn định chính là bệnh tiểu đường tuýp 2.
Theo Public Health England, khoảng 1/3 số trẻ độ tuổi 10-11 ở Anh bị béo phì. Hơn 1/5 số trẻ 4-5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Khoảng 26.000 trẻ 9 tuổi phải nhập viện để nhổ răng, trong khi 100 em dưới 10 tuổi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 mỗi năm. Những con số này thật đáng kinh sợ, nhưng với tình trạng quá nhiều đường “ẩn mình” trong những loại thực phẩm tưởng chừng có lợi cho sức khỏe như nước cam ép, không phải lúc nào cũng dễ dàng để đem đến cho trẻ một chế độ ăn uống thực sự lành mạnh.
Lượng đường khuyến nghị cho trẻ em mỗi ngày là 19g. Nhưng trên thực tế, con số này là 60,8g/ngày và 22.192g/năm.
(Nguồn: DailyMail)
bubuhuong
Tags :
Subscribe
Đăng nhập
0 Comments