Bí kíp ăn no, ngủ kĩ
SỬ DỤNG TI GIẢ CHO BÉ ĐÚNG CÁCH

SỬ DỤNG TI GIẢ CHO BÉ ĐÚNG CÁCH

Ti giả được các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia giấc ngủ khuyên dùng để hỗ trợ trấn an bé trong quá trình bé tự đưa mình vào giấc ngủ. Ti giả giúp con thỏa mãn phản xa mút mát bản năng của bé. Ngoài ra, ti giả còn có những lợi ích nhất định đối với trẻ sơ sinh.

Nhiều bà mẹ than phiền rằng em bé không hợp tác khi sử dụng ti giả. Nguyên nhân thường gặp là do giới thiệu sai cách.

Trích sách: Nuôi con không phải là cuộc chiến 2. Cuốn 1: Khoa học về bữa ăn và giấc ngủ của bé sơ sinh

Tác giả: Hachun Lyonnet, Hương Đỗ

1. PHẢN XẠ MÚT Ở TRẺ SƠ SINH

Phản xạ mút là phản xạ phổ biến ở tất cả các động vật có vú. Đây là phản xạ hình thành từ trước khi con ra đời. Nhiều bé rất cần đến chức năng mút để tự trấn an và đưa mình vào giấc ngủ. Do đó nhiều mẹ đã sử dụng ti giả hay để cho con mút tay như một cách hỗ trợ tinh thần giúp bé an thần và ngủ ngon.

Hiện nay, lợi ích và hạn chế của ti giả và mút tay vẫn đang là một cuộc tranh luận chưa có hồi kết. Tuy nhiên trên thực tế, khi được sử dụng một cách khoa học và vệ sinh thì ti giả và ngón tay trẻ là những công cụ tuyệt vời giúp trẻ nín khóc. Việc mút mát giúp con cảm thấy an toàn, kéo dài giấc ngủ và ngủ qua đêm dễ dàng hơn.

Thậm chí, khi được sử dụng đúng cách, việc dùng ti giả và tay bé để thoả mãn phản xạ mút còn góp phần giúp bé học phân biệt phản xạ mút với việc bú lấy dinh dưỡng. Điều này giúp con phân biệt nhu cầu bú mút do đói và phản xạ bú mút để trấn an khi ngủ. Đây cũng chính là tiền đề cho bé học cách ăn no và bú có hiệu quả sau này.


2. NHỮNG LỢI ÍCH KHI DÙNG TI GIẢ

Hầu hết các bậc phụ huynh từ chối việc sử dụng ti giả trong những tháng đầu đời của trẻ thường rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan sau:

  • Khi ngủ, theo bản năng trẻ sẽ bắt đầu mút mát để trấn an và tự đưa mình vào giấc ngủ. Trẻ sẽ đòi bú liên tục khi nhu cầu mút phản xạ chưa được thoả mãn. Và khi trẻ đưa tín hiệu này cha mẹ lại nhầm lẫn với tín hiệu đói của con.
  • Khi trẻ chỉ được mút mát khi bú mẹ hoặc bú bình, con sẽ bú không hiệu quả, bú vặt.
  • Hệ quả là nhiều mẹ chấp nhận lấy ti mẹ làm vật thế thân cho ti giả. Cho con ngậm ti mẹ hàng giờ, sữa chảy ròng ròng 2 khoé miệng chỉ để chờ giấc ngủ đến.
  • Sau một thời gian, mẹ than phiền con chỉ ngậm ti mẹ mới chịu ngủ và chỉ ngủ mới chịu ăn.
  • Lúc này, một cách vô tình, con học ăn vặt trên ti mẹ. Con không học được cảm giác no đói, và không có khái niệm ăn chủ động. Mọi hành động liên quan đến ăn của bé đều nằm trong trạng thái vô thức của giấc ngủ. Đây đồng thời là trở ngại rất lớn khi bé học ăn dặm. Bản thân bé không hiểu được cảm giác và nhu cầu tự nhiên của cơ thế.
What to do if your baby falls asleep while breastfeeding

Nếu mẹ sử dụng ti giả, thì trở ngại như trên sẽ hầu như không xảy ra nữa.

Trước 8 tuần, thậm chí 3 tháng khi việc tìm thấy ngón tay để mút có thể gặp khó khăn, mẹ có thể cân nhắc cho bé dùng ti giả.

  • Sau khi được ăn no, ợ hơi kỹ, bỉm sạch và con không đau ốm, nếu bé đã có đủ thời gian chơi âu yếm bên mẹ mà vẫn khóc, thì mẹ mời bé ti giả để giúp thư giãn – hỗ trợ bé trấn an.
  • Khi bé tìm được ngón tay và có thể tự phục vụ mình, hãy để bé tự lựa chọn. Có bé thích mút tay hơn, và có bé thích ti giả hơn.
  • Với các bé bị colic, việc cho ăn nhiều lần làm bé càng đau đớn, càng khóc nhiều hơn. Mỗi lần ăn là một lần đẩy sữa lên thực quản. Quá trình bị ợ nóng lại tiếp diễn không có lối thoát. Trong trường hợp này, ti giả được sử dụng để thoả mãn nhu cầu bú thư giãn; chờ đến bữa và ăn một bữa no.
  • Ti giả còn là một trong các yếu tố giúp giảm thiểu rủi ro đột tử trẻ sơ sinh. Ti giả giúp đường thở của bé luôn mở, tránh nguy cơ ngạt khi ngủ.
  • Ngoài ra, ti giả còn hữu hiệu trong việc giúp con giảm khóc khi thay quần áo, thay bỉm.

Nhiều mẹ có con ăn vặt có thể dùng ti giả để kéo dài thời gian chờ:

  • Khi các bữa ăn quá gần nhau, mẹ cho bé ngậm ti giả tự trấn an.
  • Mẹ trì hoãn mỗi lần thêm 10-15’ cho đến khoảng thời gian mà MẸ THẤY BÉ ĂN CÓ HIỆU QUẢ.
  • Khoảng cách cho ăn hiệu quả là khoảng thời gian giữa 2 bữa ăn mà khi đó: Bé ăn được no và sau đó có thể ngủ dài.

LƯU Ý:

Trẻ sơ sinh có ăn tích trữ cuối ngày các bữa ăn gần nhau. Điều này giúp CON NGỦ ĐÊM GIẤC DÀI VÀ ÍT DẬY ĂN HƠN.


3. TI GIẢ CÓ LÀM HỎNG HÀM CON? CÓ LÀM CON CHẬM NÓI?

Cho đến hiện tại, chưa có một nghiên cứu có cơ sở khoa học nào khẳng định việc ti giả có ảnh hưởng đến hàm và răng hay đến khả năng nói và sự chậm nói của các bé ngậm ti giả.

Ngược lại, việc ngậm bình sữa khi đi ngủ ở trẻ lớn lại là nguyên nhân cao nhất gây sâu răng, sún, các bệnh về lợi. Và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm của trẻ.

Các bé phương tây được ngậm ti giả từ nhỏ, và bắt đầu cần cai sau 4 TUỔI. Lúc đó mẹ chỉ cần giải thích, con hiểu mình đã là người lớn. Và lúc này con sẽ được học cách khác để làm chủ bản thân mình. Sau 6 tuổi, nếu bé vẫn chưa cai được ti giả gia đình mới cần biện pháp mạnh hơn.


4. PHỤ THUỘC TI GIẢ

Ti giả là vật giúp bé trấn an, bình tĩnh. Nếu mẹ chỉ đưa khi con cần trợ giúp chứ không cho bé ngậm cả ngày thì không bị phụ thuộc.

Cách để xác định trẻ có bị phụ thuộc vào ti giả hay không:

Nếu trẻ chỉ cần ti giả khi mới bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trong khi ngủ, ti giả rơi ra trẻ vẫn có thể ngủ lại, hoặc có thể tự mình nhét lại vào miệng. Trường hợp này, ti giả là vật trấn an.

Nếu trẻ luôn tỉnh giấc, khóc lóc khi ti giả rơi ra. Cha mẹ bắt buộc phải đút lại vào miệng cho trẻ thì trẻ mới chịu ngủ lại hay dễ chịu hơn. Thì đây là khi trẻ đã bị phụ thuộc vào ti giả. Lúc này cha mẹ nên dừng sử dụng ti giả cho bé, áp dụng 4S thuần túy hoặc 5S bỏ qua bước ti giả.

LƯU Ý: Áp dụng với trẻ đã nhận và sử dụng ti giả trấn an quen thuộc.

Với trẻ mới tập sử dụng, việc con làm rơi ti giả và không ngủ lại được là bình thường.

Cha mẹ cân nhắc đổi loại ti giả khác nếu con thường xuyên rơi ti khỏi miệng.


5. CÁCH GIỚI THIỆU TI GIẢ

Ti giả có thể được giới thiệu từ ngày đầu mới sinh (đối với bé bú mẹ lẫn bình hoặc chỉ bú bình). Hoặc sau khoảng 4-6 tuần (với bé bú mẹ hoàn toàn, sau khi con ngậm đúng khớp ngậm của ti mẹ).

Ti giả dùng chủ yếu trong: Trình tự đi ngủ của bé; Khi bé tỉnh giấc giữa chừng; Khi cần giãn cữ các bữa ăn.

Cách mời ti giả

  • Khi bé khóc vì mệt, thay vì bế bé lên thì mẹ để bé nằm trên giường.
  • Mẹ đến cạnh bé, nói nhẹ nhàng, vỗ nhẹ vai con, hoặc tạo tiếng shùhh bên tai bé.
  • Mẹ đặt ti giả, hơi di di một chút trên môi bé. BÉ LÀ NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH CÓ NÚT TI VÀO HAY KHÔNG.
  • Nếu bé nhận, mẹ giữ thêm cho bé 1-2 phút và đi ra.

LƯU Ý: Khóc vì đau bụng, đói hay ốm không giải quyết bằng ti giả

Khi ti giả rơi, bé dậy sớm chưa ngủ trọn giấc:

  • Mẹ thực hiện NÚT CHỜ: 5-10’ tuỳ độ tuổi xem bé có ngủ lại được hay không. Bé luôn cần học tự điều chỉnh bản thân trước, hiểu cảm giác và trạng thái của mình, trước khi có sự trợ giúp.
  • Lúc này mẹ đặt ti giả bên môi con và chờ bé nút lại. Nhiều bé trong thời gian chờ này học được cách tự mút tay, tự phục vụ và tự nối giấc ngủ!
  • Tuyệt đối không cố nhét ti giả vào miệng bé khi con không muốn mút!
  • Và khi con đã ngủ với chiếc ti giả, xin đừng rút ti ra mà hãy để nó tự rơi khi bé đã ngủ say.

Dạy bé cách giữ ti giả:

Cha mẹ có thể dạy bé cách giữ ti giả trong miệng như sau:

  • Khi bé bắt đầu mút ti giả, hãy hơi kéo nhẹ ti ra một chút như thể chuẩn bị lấy ti khỏi miệng bé. (Nhưng đừng kéo mạnh khiến ti bị rơi ra khỏi miệng bé nhé).
  • Bé sẽ mút mạnh hơn và sẽ nhanh chóng học cách giữ nó trong miệng kể cả khi bé đang ngủ say.
  • Chờ một chút, rồi lại thử lại.
  • Lặp đi lặp lại hành động này trong khoảng từ 10 đến 20 phút bất cứ khi nào bạn cho bé dùng ti giả.
  • Tốt nhất là nên dạy cho bé khi bé đang thức và không cáu gắt, khó chịu.

6. CÁC CÁCH CAI TI GIẢ

  • Bạn có thể sử dụng ti giả khi con ngủ và hỗ trợ chuyển giấc. Hạn chế tối đa việc cho con ngậm ti giả khi thức. Đặc biệt là càng lớn thì việc con ngậm ti giả để trấn an khi thức càng nên được giảm dần thì việc cai ti giả sẽ dễ dàng hơn.
  • Nếu con bị phụ thuộc ti giả khi thức, hãy hướng con tới những hoạt động mà con ưa thích để quên đi việc cần dùng ti giả để giải khuây
  • Hãy làm điều này một cách từ từ, dần dần chứ không phải đùng cái không cho con ngậm ti giả nữa.
  • Cho con dùng ti giả size sơ sinh.
  • Cắt ti giả ngắn dần ngắn dần hoặc làm rách ti giả.
Fridababy Paci Weaning System – Crib & Kids

7. CÁC LOẠI TI GIẢ ĐƯỢC TIN DÙNG

Các tiêu chí khi chọn mua ti giả

Trên thị trường có rất nhiều loại ti giả với mẫu mã, giá thành và chất lượng khác nhau. Khi chọn mua, cha mẹ cần lưu ý:

  • Lựa chọn ti giả có thương hiệu uy tín, thông tin rõ ràng. Tránh mua hàng không tên tuổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
  • Đọc kỹ thông tin về sản phẩm do nhà sản xuất giới thiệu.
  • Ưu tiên ti giả có các đặc điểm:
    • Chất liệu an toàn cho trẻ sơ sinh.
    • Thiết kế đạt tiêu chuẩn chống hô, lệch hàm.
    • Thiết kế vành ti giả thoát khí tốt giảm việc nuốt khí khi con mút và giảm nguy cơ đột tử.
    • Thiết kế núm ti phù hợp với vòm miệng của bé, giúp bé dễ nhận và dễ giữ.
    • Lựa chọn size đúng độ tuổi của con.

Các loại ti giả được ưu chuộng

Philips Avent: Có 5 loại

  • Avent Ultra Air: Các lỗ thoát khí ở vành núm thiết kế to, rộng, thoát khí tốt, không gây hấp hơi. Đặc biệt phù hợp cho bé da nhạy cảm. Đầu ti dang dẹp.
  • Avent Ultra Soft: Vành núm mềm mại, thoát khí tốt. Đầu ti dạng dẹt, thiết kế chuẩn phù hợp với vòm họng trẻ.
  • Avent Classic: Mẫu cổ điển của Avent
  • Avent Soothie: Đầu núm tròn mô phỏng ngón tay mẹ. Chất liệu silicone an toàn.
  • Avent Freeflow: Núm tự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu mút của bé. Núm cứng chống rách khi bé mọc răng cắn, nghiến.

BIBS

  • Núm ti bằng cao su thiên nhiên 100%, mềm, núm tròn, bé dễ nhận.
  • Thiết kế chỉnh nha, chống hô, phù hợp với vòm miệng bé
  • Sản xuất tại Đan Mạch.
  • Thiết kế thoát khí tốt, ko để lại vệt hằn xung quanh miệng bé.

Ti giả MOTHERCARE

  • Đầu ti dạng vát, phù hợp với vòm miệng bé, giúp bé dễ nhận ti giả và giữ ti.

Ngoài ra còn các thương hiệu ti giả khác như:

  • Dr. Brown
  • Mam
  • Nuk
  • Pigeon
  • v.v…

Cha mẹ cân nhắc lựa chọn loại ti giả phù hợp để phát huy tối đa công dụng của ti giả. Đồng thời tránh các vấn đề liên quan tới răng miệng, hô hấp của trẻ do sử dụng ti giả không đạt chất lượng nhé!

Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

[…] Ti giả có thể mời sau khi con đã bú đúng khớp ngậm nếu ti mẹ trực tiếp. Bé bú bình thì mời ti giả từ đầu được luôn. Xem thêm bài viết “Sử dụng ti giả cho bé đúng cách” […]

You cannot copy content of this page!

1
0
Hãy để lại lời nhắn hoặc câu hỏi bên dưới nhé!x
()
x
%d bloggers like this: