Malaysia – Những điều thú vị về bảo vệ môi trường
Đi Malaysia chơi, lần này nhà mình tá túc ở nhà chị Hachun học được bao nhiều điều kinh ngạc. Như chị Hà nói, nếu em đi du lịch theo tour, góc nhìn của em khác, em đi du lịch tự túc trải nghiệm của em khác, và khi em đi du lịch mà ở homestay cùng người bản địa thì trải nghiệm và góc nhìn của em lại càng khác nữa, em sẽ thấy được nhiều điều mà đi du lịch thông thường em không bao giờ biết.
Đầu tiên là về chuyện rác. Trong nhà chị Hà phải có đến 4-5 cái thùng rác các kiểu (chưa tính thùng rác nhỏ trong các phòng), chị Hà bảo là bên này họ yêu cầu phải phân loại rác từ mỗi nhà, túi nilon riêng 1 thùng, chai lọ nhựa 1 thùng, hộp kim loại 1 thùng, rác thải hữu cơ (thức ăn) 1 thùng, lúc đầu chưa quen mình cứ phải chạy khắp nhà tìm thùng rác và nhớ xem cái gì vứt ở đâu hơi bị lích kích, nhưng khi quen rồi thì thấy rất là ưng cái bụng. Việc phân loại rác như thế này ngoài việc giúp xử lý rác các khâu sau được thuận tiện và hữu ích, bảo vệ môi trường… thì mình thấy rằng bản thân mình và gia đình cũng tự ý thức được việc phải hạn chế sử dụng túi nilon hoặc chai lọ hộp nhựa, kim loại các thứ vì mình tự hình dung ra được lượng rác thải khó hoặc ko thể phân hủy mình đang sử dụng là bao nhiêu khi nhìn vào túi rác nhà mình. Khi mang rác đi vứt thì các loại rác tái chế được yêu cầu đựng trong các bao nilon trong suốt, rác hữu cơ thì để trong bọc màu tối để người thu gom rác dễ phân loại.
Rồi tới đi siêu thị, đi IKEA, mua đồ ra lỉnh kỉnh 1 đống, chị thu ngân tính tiền xong quăng đồ ngay đó, hổng thấy đưa bao lớn bao bé để đựng đồ như ở nhà mình đi, mặc định ở đây là mình phải “may túi 3 gang mang đi mà đựng” hoặc nếu ko có thì phải mua túi đựng bảo vệ môi trường (kiểu túi to đùng lâu lâu Coopmart BigC hay có bán í) mà dùng, chứ chả có cho bao nilon mấy tầng mấy lớp gì để đựng mang về đâu. Tất nhiên cũng chưa phải 100% các shop như thế nhưng mình thấy là họ rất hạn chế sử dụng túi nilon. Nhân tiện vụ đi shopping, siêu thị, bên Malay ko chỗ nào cần phải gửi đồ, gửi túi khi đi vào mua hàng.
Về mảng thực phẩm, chị Hà bảo ở bên đó họ kiểm tra vệ sinh thực phẩm cực kỳ nghiêm ngặt, nên dù em mua ở siêu thị hay chợ xanh, ăn nhà hàng hay vỉa hè đều cực kỳ yên tâm về chất lượng thực phẩm. Nhất là thịt lợn thì lại càng bị kiểm tra gắt gao vì Malaysia là đất nước Hồi giáo không ăn thịt lợn, nên chính sách kiểm tra với thịt lợn lại càng chặt hơn. Nước vòi là nước sạch có thể uống trực tiếp được, đi ngoài đường, công viên, các tòa nhà, sân bay sẽ hay thấy có các vòi nước công cộng để uống trực tiếp hoặc để tiếp thêm vào bình mang đi, mọi người sử dụng cũng rất lịch sự, ko làm dây bẩn. Nhà mình đi chơi lúc nào cũng mang theo 1 chai giữ nhiệt để đựng nước, cứ hết lại kiếm mấy chỗ nước công cộng châm thêm vào, hạn chế được bớt việc sử dụng và thải các chai nhựa.
Đi chơi Aquarium, ở đây đang có hẳn 1 chương trình nói về rác thải, về các bãi rác trên biển, về thời gian phân hủy của từng loại rác và các khuyến cáo về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng chai lọ nhựa. Việc “tuyên truyền” được làm bằng các pano lớn, minh họa sinh động khắp lối đi và các video chiếu xen kẽ. Khi xem tới đoạn thời gian để các loại rác thải có thể phân hủy hết, mình khá là “rùng mình”, toàn là mấy trăm, mấy triệu năm, thậm chí có những thứ còn là “forever” – không bao giờ phân hủy hết. Về nhà quyết tâm hạn chế tối đa việc dùng bao nilon và đồ nhựa, sẽ đi mua các bao bì giấy và hộp giấy để gửi hàng đi.
Sáng nay có đọc được bài 1 chị ở Việt Nam viết về việc cùng nhau hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ mình thấy rất hay. Các mẹ cứ thử để ý mỗi khi mình đi chợ hay đi siêu thị, về nhà là 1 tá túi nilon nhỏ nhỏ rởm rởm, thà là các túi to đẹp trắng trắng thì chúng mình còn giữ lại dùng tiếp chứ mấy túi mỏng mỏng nhỏ xíu xìu gói thịt gói rau là kiểu gì về cũng vứt đi 1 đống. Một lần đi chợ về là phải cả chục, 2 chục cái túi nilon to nhỏ các kiểu, mỗi ngày 1 người sử dụng từng ấy túi, thì gom lại tất cả chúng ta sử dụng và thải ra bao nhiêu túi nilon? Và túi nilon, nhanh nhất cũng phải 20 năm mới phân hủy được, có loại thì mất 400-500 năm… Giải pháp là chúng mình hãy chịu khó mang theo túi vải, túi lưới hoặc túi cói to để đựng đồ khi đi chợ, đi siêu thị, khi mua rau củ quả thì nhờ các bác bán hàng gói vào giấy báo giúp (hoặc mang luôn giấy báo đi theo phòng khi chỗ bán người ta ko có sẵn). Rồi mang theo một ít hộp nhựa để đựng thịt cá cho sạch, các mẹ mua loại hộp nhựa mà theo set 3-4 to nhỏ lồng vào nhau ý, thì khi mang đi sẽ đỡ vướng víu lích kích. Dùng túi vải hay túi lưới rất tiện, vì nhẹ, rộng rãi, dễ giặt giũ, dễ gấp gọn. Đừng ngồi chỉ trích, than vãn nhà máy nọ, công trường kia xả rác thải chất độc, hãy tự mình hành động, mỗi cá nhân bớt 1 chút rác thải vô cơ ra môi trường là đang giúp bảo vệ chính môi trường của chúng mình rất nhiều rồi í.
Quay trở lại về các trải nghiệm ở Malaysia, mình lại tiếp tục khâm phục hệ thống quản lý tự động ở đây. Hầu hết mọi thứ đều sử dụng máy tự động, ở các nhà ga có các máy bán vé tự động, bạn chỉ cần chọn ga đi, số người và nhét tiền vào là máy tự động nhả vé, có khi là thẻ từ có khi là một coin nhựa có gắn chip bên trong, khi đi vào bạn quét vé là cổng tự động mở, hầu như không có người bán vé (trừ đi bus là thấy còn có người bán vé và soát vé). Các máy bán nước tự động cũng có ở khắp nơi. Các bãi đậu xe cũng hoàn toàn sử dụng máy để lấy vé. Các trạm thu phí cầu đường cũng toàn bộ là máy. Ban đầu mình chỉ nghĩ tới việc là sử dụng máy móc như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công và cả thời gian nữa, nhưng sau đó chị Hà có bổ sung thêm là việc sử dụng máy móc còn giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc và trao đổi qua tay giữa mọi người với nhau, giúp giảm thiểu việc lây lan vi khuẩn qua tiếp xúc bằng tay, hạn chế sử dụng tiền mặt là 1 nguồn lây lan vi khuẩn vi rút cực lớn.
Khi các bạn nhỏ đi công viên ở ngay gần tháp đôi KLCC chơi (khu vui chơi ngoài trời ở đây cực kỳ rộng, cực kỳ sạch sẽ, thoáng mát, cấm ăn uống và luôn có các bác an ninh đi vòng vòng kiểm soát, bảo vệ), chúng mình thấy rất nhiều em bé sơ sinh được bố mẹ cho ra đi dạo, đi picnic trải thảm nằm chơi. Mấy bạn nhỏ nhà mình và nhà chị Hà thấy em bé thì thích lắm, lại gần ngắm, sờ nắm chân tay. Chị Hà nhắc ngay các con là chỉ nên sờ chân em thôi, tuyệt đối KHÔNG SỜ ĐẦU VÀ TAY của em bé. Đầu thì rõ rồi, nhưng tay thì sao? Đó là vì các em bé thường có sở thích MÚT TAY, và tay chúng ta khi ra đường, khi đi chơi công viên tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn vi trùng khắp nơi, khi chúng ta sờ vào tay em bé là đang vô tình đưa các vi rút, vi khuẩn ở trên tay mình qua tay bé, bé lại cho vào mồm, và với sức đề kháng còn non nớt của các bé sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Cuối cùng (tại mình chưa nhớ thêm ra điều gì, nên tạm kết ở đây), đó là hầu hết các nhà vệ sinh và các trạm nước uống công cộng ở Malaysia đều có một hai bồn rửa tay, bồn uống nước thấp hơn dành cho các bạn trẻ con, một điều khiến mình cực kỳ hài long vì bạn nhà mình luôn luôn muốn được tự vặn nước, tự rửa tay, tự làm mọi thứ, mà bồn của người lớn thì thường quá cao và mình phải bế bạn lên, chưa kể đến như thế nước sẽ văng và dính tùm lum lên quần áo bạn. Thêm nữa, ở các nhà vệ sinh hầu hết trang bị máy thổi gió để làm khô tay và dần loại bỏ việc sử dụng giấy lau tay, mình nghĩ là rất tốt trong việc tiết kiệm giấy và cũng hạn chế rác thải từ giấy lau tay.
Đôi điều chia sẻ và suy nghĩ từ chuyến đi chơi 5 ngày ở nước bạn về. Mình không hề có ý định so sánh hay chỉ trích gì cả, chỉ đơn thuần là chia sẻ những trải nghiệm thực tế và hi vọng rằng khi đọc xong bài viết này, mỗi chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi từng chút một, cùng nhau dạy các con từng chút một về những điều vô cùng đơn giản để góp phần thay đổi, bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của chúng ta và nâng cao hơn ý thức của mọi người xung quanh.
http://www.kpkt.gov.my/separationatsource/en/
Quy định về phân loại rác tại Malaysia
P/s: Lúc nào quởn mình sẽ viết bài review về đi chơi ở KL cho các mẹ sau nhé ^^.
By Bubu Huong (Thanh Huong Ng)