PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI THÓI QUEN XẤU?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI THÓI QUEN XẤU?

Nếu hỏi “bạn có những thói quen xấu nào?” chắc chắn mỗi chúng ta đều nhanh chóng liệt kê ra cả lố thói quen xấu một cách nhanh chóng: thức khuya, dậy muộn, lười thể dục, lười đọc sách, ăn uống không kiểm soát, mê đồ ngọt, bỏ bữa, hút thuốc, nhậu nhẹt, trì hoãn trong công việc, hay trễ deadline, hay than thở v.v… vô vàn nhiều những thói quen mà ngày này qua tháng khác chúng ta tự nhủ “mình sẽ bỏ, mai mình sẽ bắt đầu tập luyện” – và ngày mai ấy có vẻ chẳng bao giờ đến ^^.

Bạn có giật mình không khi được hỏi về thói quen xấu thì ngay lập tức chúng ta có thể liệt kê ra 1 đống thứ, chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, chúng ta biết rằng điều đó không tốt, chúng ta biết cần thay đổi, và chúng ta luôn…không thay đổi? Thói quen KHÔNG CHỊU THAY ĐỔI cũng là một thói quen xấu lắm đấy ^^


1. THÓI QUEN LÀ GÌ?

THÓI QUEN là các hành động LẶP ĐI LẶP LẠI một cách có ý thức rồi trở thành VÔ THỨC.

Ban đầu là chúng ta chủ động “thử” 1 chút (món ăn ngon, đồ uống ngọt, xem 1 bộ phim sướt mướt, hút 1 điếu thuốc..), chúng ta tự thả lỏng mình 1 chút (nay ngủ trễ chút làm cho xong việc, nay nghỉ tập 1 buổi…), chúng ta tự nhủ mình hoàn toàn có thể làm chủ được bản thân và tâm trí này, chỉ 1 chút thôi và chúng ta vẫn sẽ ổn.

Mà bạn biết không, chỉ 1 chút thả lỏng ấy, cơ thể cảm thấy sự thoải mái, hạnh phúc, hài lòng và tiết ra Dopamine – một chất hay được gọi là “hormone hạnh phúc” – và nó sẽ tạo cho não chúng ta cảm giác thèm muốn được trải nghiệm lại điều đó vào ngày hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau sau nữa…. rồi dần dần ta mất tự chủ, ta hình thành 1 thói quen VÔ THỨC mà không hề hay biết.

Và đáng nói là, thực ra chúng ta chỉ đang tạo ra 1 thứ “hạnh phúc” giả tạo, tạm bợ, 1 cái kén an toàn và yên tâm để trốn tránh tất cả những khó khăn đang chờ đón ngoài kia. Nếu cảm giác khi bạn đạt được thành công, đạt được 1 thành tích vượt trội trong công việc, trong cuộc sống, trong các mối quan hệ sẽ giúp bạn duy trì được sự hạnh phúc, niềm vui, phấn khởi chủ động, dài lâu và ổn định, thì những “hạnh phúc giả” do các thói quen xấu lại chỉ mang đến cho bạn những giây phút bùng lên rồi vụt tắt, và bạn hoàn toàn bị phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài chứ ko hề tìm thấy sự hạnh phúc từ chính nội lực của bản thân.

Từ bỏ một thói quen xấu không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu bạn hiểu cách thói quen được hình thành, bạn sẽ đối mặt với quá trình này tốt hơn và có 1 lộ trình từ bỏ thói quen xấu, xây dựng thói quen tốt một cách hiệu quả hơn.


2. THÓI QUEN ĐƯỢC TẠO RA NHƯ THẾ NÀO?

Thói quen được hình thành với 3 yếu tố:

  • YẾU TỐ KÍCH HOẠT:

Là 1 yếu tố ban đầu kích hoạt hành vi xấu của bạn. Đó có thể là việc khi bạn cảm thấy buồn chán thì bạn tìm đến với đồ ngọt. Đó có thể là niềm vui khi khúc khích tán gẫu với bạn bè trên mạng mỗi tối muộn sau 1 ngày cô đơn. Đó có thể là mỗi khi có chuyện buồn hoặc cảm thấy quá nhàn rỗi thì bạn tìm đến vùi đầu vào các bộ phim tình cảm sướt mướt . Có thể là sự stress khiến bạn tìm đến một điếu thuốc. Hay những lúc cảm thấy bị bỏ rơi và không được thấu hiểu thì thậm chí bạn có thể làm đau chính mình.

Xác định được yếu tố kích hoạt thói quen xấu sẽ giúp bạn tìm ra được nguyên nhân khởi nguồn của thói quen đó và ngăn chặn nó ngay từ đầu.

  • SỰ LẶP LẠI:

Đây là hành động đi liền với yếu tố kích hoạt tạo nên các thói quen xấu. Liên tục ăn đồ không healthy, liên tục thức khuya, liên tục tìm đến phim/game, thuốc lá, rượu bia…

  • THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC sau 1 hành vi sẽ củng cố thói quen.

Nếu điều bạn làm tạo cảm giác vui thích hoặc giảm stress, sự phóng thích của dopamine trong bộ não khi làm những việc đó sẽ khiến bạn muốn lặp lại các hành vi này nhiều hơn.


3. THAY ĐỔI THÓI QUEN XẤU NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, bạn cần XÁC ĐỊNH YẾU TỐ KÍCH HOẠT hình thành nên thói quen xấu của bạn. Hãy dành ra vài ngày ghi chép lại những hành vi của mình.

Ví dụ như:

  • Hành vi này xảy ra ở đâu?
  • Vào thời gian nào trong ngày?
  • Cảm xúc của bạn khi thực hiện hành vi?
  • Người khác có tác động gì không?
  • Nó có xảy ra ngay sau 1 việc gì đó không?

Lấy ví dụ bạn muốn ngừng thức khuya quá 12 giờ đêm. Sau khi theo dõi thói quen này, bạn nhận ra rằng bạn có xu hướng thức khuya nếu bạn bắt đầu xem tiktok hoặc chat chit với bạn bè sau bữa tối, và bạn sẽ ngủ sớm hơn nếu thay bằng đọc sách hoặc đi bộ. Vì thế, bạn quyết định dừng xem tiktok và tắt điện thoại sau 9 giờ tối trong tuần. Bằng việc loại bỏ các yếu tố kích hoạt này, bạn sẽ khiến mình khó có thể thức khuya hơn.

Tập trung vào LÝ DO TẠI SAO bạn muốn THAY ĐỔI

Bạn sẽ dễ thay đổi thói quen hơn nếu điều bạn đang cố gắng thực hiện có giá trị hoặc mang lại lợi ích cho bạn. Do đó, hãy VIẾT RA GIẤY lí do bạn muốn thay đổi thói quen xấu và lợi ích khi đạt được.

Sau đó, dán tờ giấy này lên gương, bàn làm việc hay bất kỳ chỗ nào bạn thường đưa mắt tới. Thấy danh sách này thường xuyên sẽ giúp củng cố niềm tin của bạn mỗi khi bạn quay trở lại thói quen cũ.

Ví dụ như mình đã viết ra mục tiêu dậy sớm để có nhiều thời gian hơn hoàn thành các công việc trong ngày và không phạm vào giờ tối dành cho gia đình. Việc dậy sớm cũng đồng thời giúp mình đi ngủ sớm hơn, đi ngủ sớm để da đẹp, người khỏe mạnh, tinh thần tươi vui, năng lượng.

THAY THẾ BẰNG THÓI QUEN MỚI

Bạn sẽ dễ dàng thay đổi hành vi của mình hơn khi bạn thay thế thói quen cũ bằng một thói quen mới. Ví dụ, bạn hay sa đà vào những món ăn vặt như kẹo, bánh tráng khi làm việc. Nếu bạn tập trung vào việc cố gắng không nghĩ đến kẹo, bạn sẽ có xu hướng muốn ăn kẹo trở lại khi bạn căng thẳng hay không kiềm chế được cơn đói. Thay vào đó, hãy cho phép mình ăn vặt lành mạnh hơn với sữa chua, các loại hạt hay gạo lứt chiên giòn…

Việc lặp đi lặp lại hành vi mới sẽ giúp bạn hình thành thói quen mới. Và sau khi nhận thấy mình có được nhiều năng lượng hơn từ việc ăn vặt lành mạnh, sự thèm muốn các món ăn vặt kém lành mạnh hơn sẽ được giảm đáng kể.

Sẵn sàng “mắc sai lầm”

Từ bỏ một thói quen không hề dễ dàng. Nó cần thời gian, sự kiên nhẫn cũng như bao dung với những lúc bản thân yếu lòng. Những khi bạn quay trở lại với thói quen cũ, hãy tự hỏi bản thân xem tại sao và bạn có thể làm gì khác để giữ mình tiếp tục thay đổi.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho những lúc quay lại thói quen cũ, khi mà cảm giác khó chịu, trách móc bản thân như kẻ thất bại dễ dàng xảy đến.

Có thể bạn đang cố gắng từ bỏ thuốc lá và đã thành công trong 3 ngày, tuy nhiên đến ngày thứ 4 bạn hút một điếu và sau đó cảm thấy thật kinh khủng vì mình đã không giữ được lời hứa với bản thân. Những lúc đó hãy nhớ rằng việc hút một điếu thuốc hôm nay không có nghĩa là những ngày qua bạn đã không cố gắng và hãy tự động viên bản thân rằng bạn có thể lựa chọn khác đi vào ngày mai.

Hy vọng các gợi ý trên sẽ giúp bạn từ bỏ một thói quen và đưa ra lựa chọn mới cho cuộc sống của mình. Đây cũng là cách bạn tạo lập mối quan hệ với bản thân. Việc giữ lời hứa và động viên chính mình những lúc khó khăn sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin và làm chủ cuộc sống hơn.


Tags :
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

You cannot copy content of this page!

0
Hãy để lại lời nhắn hoặc câu hỏi bên dưới nhé!x
()
x
%d bloggers like this: