Các kỳ khủng hoảng
ĐỂ “TUỔI LÊN 2” KHÔNG CÒN KHỦNG HOẢNG – PART 1 – CON CÓ THỂ TỰ LÀM!

ĐỂ “TUỔI LÊN 2” KHÔNG CÒN KHỦNG HOẢNG – PART 1 – CON CÓ THỂ TỰ LÀM!

Vào thời điểm khoảng từ 21 tháng tuổi tới 25-26 tháng tuổi, chúng ta sẽ thường xuyên được nghe các bậc cha mẹ rên rỉ vì tính khí thất thường, những trận khóc lóc ỉ ôi, những cơn ăn vạ không báo trước và vô vàn những vấn đề khó hiểu khác của các bạn nhỏ, nôm na chúng ta thường gọi là “khủng hoảng tuổi lên 2” (KHL2 – Terrible 2).

Vậy khủng hoảng tuổi lên 2 là cái gì, vì sao nó lại khủng khiếp vậy, các thiên thần nhỏ bé của chúng ta đã đi đâu mất và làm thế nào để cùng con vượt qua giai đoạn này với ít sự “khủng hoảng” nhất cho cả con lẫn cha mẹ?

Phần 1: CON CÓ THỂ TỰ LÀM!!

Trong mốc phát triển của các bạn nhỏ, có 2 cột mốc rất quan trọng để con phát triển về SỰ TỰ LẬP là: giai đoạn 2 tuổigiai đoạn 10 tuổi.

Ở các thời điểm này, não bộ của con phát triển lên một tầm cao mới, con hiểu biết nhiều hơn, muốn tự mình trải nghiệm, khám phá, thực hành nhiều hơn những việc mà trước đây con chưa làm được.

Ở mốc lên 2, con có sự phát triển vượt bậc và vô cùng quan trọng về não bộ, về khả năng vận động, trí tuệ, ngôn ngữ, về các mối quan hệ xã hội và phát triển về các cảm xúc.

Con chợt nhận ra rằng thế giới xung quanh có rất nhiều điều kỳ thú để khám phá, rằng ngoài cha mẹ ra thì còn rất nhiều người từ già trẻ – trai gái – lớn bé để mình có thể chơi cùng – và rằng mỗi người khác nhau lại mang tới 1 cảm xúc khác nhau khi con tiếp xúc.

Con cũng phát hiện ra rằng mình có thể TỰ LÀM được mọi thứ như cha mẹ đang làm: tự lấy các món đồ con muốn, tự mặc đồ, tự xúc thức ăn, tự lấy đồ chơi, tự “đọc” sách, bê vác đồ vật v.v….

Đồng thời với việc hiểu rằng mình có thể TỰ LẬP thì con cũng nhận ra rằng có nhiều việc mình cần phải TUÂN THỦ CÁC QUY TẮC CHUNG, và chính điều này khiến con ở trong trạng thái bối rối, bực tức, thậm chí cáu giận khi đứng giữa việc cái nào mình có thể tự làm, cái nào cần phải theo quy tắc chung.

Chính vì thế con bắt đầu có xu hướng sử dụng PHÉP THỬ bằng việc lặp đi lặp lại 1 hành động với nhiều cách hành xử khác nhau để quan sát thái độ của mọi người và kết quả sau mỗi phép thử.

Nếu với cùng 1 sự việc, phản ứng của cha mẹ (hoặc người lớn trong nhà) là nhất quán, thì rất nhanh chóng cơn khủng hoảng của con với vấn đề đó sẽ được giải quyết vì con hiểu được đâu là việc mình có thể được tự làm và đâu là việc con cần tuân theo nguyên tắc chung.

Ngược lại nếu người lớn ko có sự nhất quán trong cách xử lý vấn đề thì con sẽ mất nhiều thời gian hơn để “trưởng thành” và luôn làm phép thử thêm nhiều lần nữa để ra được kết quả cuối cùng con mong muốn.

Một ví dụ điển hình là trong giờ ăn, ở giai đoạn này rất nhiều bé sẽ bắt đầu muốn được ngồi ra ghế giống như người lớn và từ chối ngồi trong ghế ăn của riêng con. Con cũng muốn tự mình lấy thức ăn từ trong mâm vào bát của mình thay vì chờ bố mẹ lấy cho con hoặc muốn thử thức ăn từ trong bát của bố, mẹ, anh/chị để so sánh xem có khác với đồ mình được ăn hay ko v.v…

Và lúc này tất nhiên sẽ có những phản ứng khác nhau từ phía người lớn!

Thông thường là ban đầu khi thấy con nằng nặc đòi, bố mẹ sẽ xuống nước chiều con, cho con ra khỏi ghế ăn, cho con tự lấy đồ ăn với hi vọng sau đó sẽ dụ con quay trở lại ngồi ghế hoặc sẽ ngồi ngoan ngoãn nghiêm túc. Nhưng sau đó con lại quậy phá làm đổ đầy đồ ăn khắp nơi (thực ra là do con còn lóng ngóng chưa đủ khéo léo). Lúc này bố mẹ trở nên tức giận, bắt con ngồi lại vào ghế ăn trở lại và để bố mẹ lấy đồ cho con.

Khi đó, trong cùng 1 hành động của con thì bố mẹ đã phản ứng theo cách khác nhau mà không có sự giải thích và điều đó khiến con cảm thấy bối rối.

Con cũng không hài lòng vì ko đạt được mục đích của mình (tự lấy đồ ăn như người lớn) và thế là con khóc/la/hét như 1 sự minh chứng rằng bố mẹ thật chẳng hiểu gì cả! Bố mẹ thì lại cho rằng con đang đòi hỏi quá đáng và chỉ muốn nghịch ngợm, phá phách nên càng cấm cản, thậm chí quát mắng, đánh, dọa con và làm cho sự việc càng đi xa hơn.

Kết quả là con sẽ khóc lóc ỉ ôi, bỏ ăn, la hét, ăn vạ v.v… đẩy sự việc lên cao trào, cha mẹ lúc này lo con nhịn ko ăn sẽ đói, lại xuống nước và đồng ý cho con ngồi ở ghế người lớn và nghịch phá bàn ăn.

Chính sự ko nhất quán từ đầu đến cuối này của cha mẹ khiến con vẫn chưa rút ra được mình nên làm thế nào, và khi tình trạng này kéo dài nhiều ngày lặp đi lặp lại, con sẽ rút ra kết luận rằng chỉ cần mình gào thét ăn vạ trong bữa ăn thì mọi yêu cầu của mình sẽ được đáp ứng, và cha mẹ kết luận rằng con mình là một đứa trẻ quậy phá, ko có nề nếp ăn uống tử tế v.v..

Để giải quyết tình huống này, cha mẹ cần luôn nhớ từ khóa NHẤT QUÁN và GIỚI HẠN

  • Nếu muốn con tiếp tục ngồi trong ghế ăn của con, hãy nhất quán. Cha mẹ áp dụng kỉ luật bàn ăn và chấp nhận con bỏ 1-2 bữa ăn và sau đó con học được quy tắc chung là con vẫn cần phải ngồi trong ghế ăn. Tuy nhiên có nhiều bé đến giai đoạn này đã không muốn sử dụng khay ăn của riêng con nữa, nên cha mẹ có thể cân nhắc việc con vẫn ngồi trong ghế ăn của con và không lắp khay ăn phía trước mà đẩy con sát vào bàn ăn chung của cả nhà để con có thể quan sát đồ ăn trên bàn và cảm thấy được tham gia bữa ăn chung với cả nhà.
  • Nếu có thể chấp nhận được việc con đã đủ lớn và ko cần ngồi trong ghế ăn, hãy đồng ý cho con ngồi ở ghế người lớn (đảm bảo an toàn), nhưng giao hẹn con cần NGỒI, ko đứng dậy, leo trèo, phá mâm cơm, nếu vi phạm – áp dụng kỷ luật bàn ăn, mời con ra khỏi bàn ăn. Con muốn lấy đồ từ mâm, hãy hỏi con muốn ăn món nào, cha mẹ có thể để đĩa thức ăn con chọn lại gần con để con có thể dễ dàng tự múc sang bát của mình – hãy chấp nhận một vài lần đầu con vụng về làm đổ thức ăn, đừng la mắng, ngăn cản mà hãy hỗ trợ và hướng dẫn con làm đúng, một vài lần sau con sẽ trở nên thành thạo. Khi được đáp ứng đúng mong muốn, chắc chắn con sẽ ko phá phách, gào thét, ăn vạ và nhanh chóng hiểu được mình cần và nên làm gì. (by fb.me/bubu.huong)

Ngoài việc ăn uống, cha mẹ cũng dễ dàng nhận thấy con muốn TỰ MÌNH làm tất cả mọi thứ nhưng có rất nhiều thứ con chưa thể tự làm được, cha mẹ thì muốn “cho nhanh” nên thường sẽ làm luôn hộ con, và lại thấy con mình “giãy nảy” lên rồi lăn ra ăn vạ mà ko hiểu tại sao.

Một tình huống khác cũng thường gặp trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2:

Con muốn TỰ vặn nắp chai nước hoặc mở hộp đồ ăn, nhưng nút vặn/nắp hộp quá chặt nên con loay hoay 1 hồi ko mở được, con bực bội, khóc, cha mẹ vội chạy lại “à, con muốn uống nước/ăn bánh à, để mẹ mở cho”, thế là a lê hấp, mở ra trong vòng 1 tích tắc…..VÀ….NỬA TÍCH TẮC SAU ĐÓ…con lại gào lên còn to hơn lúc trước.

Thực ra mục tiêu chính của con lúc này ko phải là đồ ăn, thức uống bên trong, mà là muốn TỰ MÌNH MỞ NẮP. Lúc này, thay vì mở luôn ra giúp con, cha mẹ hãy đến gần, mô tả việc con muốn làm và THÔNG BÁO hoặc ĐỀ NGHỊ GIÚP ĐỠ con:

“Con muốn mở nắp chai/hộp này mà nó cứng quá phải ko? Vậy mẹ giúp con 1 chút nhé?”

Khi con đồng ý (gật đầu, chủ động đưa mẹ đồ, hoặc ko phản đối khi mẹ cầm vào đồ) thì hãy giúp con vặn lỏng nắp chai, hoặc mở hé nắp hộp rồi đưa lại cho con và khích lệ “Giờ dễ mở hơn rồi này, con thử lại xem”

Khi con mở xong hãy nhớ GHI NHẬN thành công này của con “Wow, con đã TỰ MỞ được nắp rồi này”. Lúc này chắc chắn con sẽ rất vui vẻ và hài lòng vì đã TỰ MÌNH làm được điều mà mình mong muốn, đồng thời con cũng biết rằng mẹ hiểu mình muốn gì và mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ khi mình cần.

Việc mẹ mô tả hành động của con cũng giúp con phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ để diễn đạt được hành động, mong muốn của bản thân con. Và hãy nhớ rằng tập trung ghi nhận thành quả của con chứ không nên khen chung chung kiểu “con giỏi quá” nhé!

Ở độ tuổi này con đã có thể tự mình làm rất nhiều việc cho bản thân con, thậm chí là giúp cha mẹ làm một số việc nhà nho nhỏ, vì thế hay cho con thật nhiều cơ hội TỰ MÌNH làm mọi việc, ban đầu có thể con còn lóng ngóng, làm rơi vỡ đồ, làm đổ, làm sai nhưng nếu cha mẹ cho con tập làm thật nhiều, hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành cùng con thì chắc chắn con sẽ rất nhanh chóng vượt qua giai đoạn này và trở thành một em bé rất chăm chỉ và khéo léo.

HÃY NHỚ CÁC TỪ KHÓA: THÔNG BÁO – ĐỀ NGHỊ – GHI NHẬN KẾT QUẢ


Một vài gợi ý các công việc con có thể tự làm ở độ tuổi này bố mẹ nhé:

  • Tự xúc ăn. Tự lấy đồ ăn từ đĩa vào bát riêng của con. Tự múc canh từ tô vào bát của con. Tự cầm ly sứ uống nước.
  • Tập ăn đũa. Nhiều bé đã có thể ăn đũa thành thạo từ khoảng 19-20 tháng tuổi, một số bé có thể sử dụng đũa thành thạo sau 2 tuổi.
  • Tự lấy đồ chơi, sách truyện con thích. Tự dọn dẹp đồ chơi, sách truyện lên kệ sau khi dùng xong.
  • Tự cởi đồ và bỏ đồ dơ vào rổ đồ dơ. Một số bé bắt đầu học cách tự mặc đồ.
  • Tự đi vứt bỉm bẩn. Tự bỏ rác vào thùng rác.
  • Tự xách đồ, đeo ba lô, túi, tự soạn đồ chơi mang theo khi đi ra ngoài.
  • Biết đi lấy 1 số đồ quen thuộc theo lời người lớn.
  • Giúp lau bàn ghế, phụ giúp dọn bàn ăn trước và sau khi ăn.
  • Xếp giày dép lên kệ.

Tất nhiên đây là các công việc con có thể bắt đầu tập làm được, và nó không đồng nghĩa với việc con sẽ luôn làm những việc này. Đôi khi con không thích, con đang có mục tiêu khác, hoặc đơn giản là con lười và ko làm theo sự hướng dẫn hoặc đề nghị của cha mẹ thì cũng không cần quá gay gắt bắt con phải làm bằng được nhé. Khích lệ, động viên con tự làm chứ ko phải là ép buộc nhé bố mẹ.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

You cannot copy content of this page!

0
Hãy để lại lời nhắn hoặc câu hỏi bên dưới nhé!x
()
x
%d bloggers like this: