Dạy con về cơ thể người – lứa tuổi mầm non
Khi tìm hiểu về việc dạy con ở tuổi mầm non của các bạn nước ngoài, mình khá ngạc nhiên khi thấy trong các lớp mầm non đều có các hoạt động cho các bạn nhỏ học và tìm hiểu về cơ thể người, các bộ phận trong cơ thể (vị trí và chức năng tim gan phèo phổi..), về bộ xương (các bạn 4-5 tuổi đã có thể nhớ, đọc tên, số lượng và xếp vị trí của cả bộ xương người ý nhé), về các cơ quan chức năng hoạt động như thế nào (hệ tiêu hóa, hô hấp, máu, dây thần kinh, não bộ….).
Nếu như quay lại với giáo dục ở VN thì mình thấy khá là ngạc nhiên, vì đâu đó tới cấp 2 cấp 3 gì mình mới được biết mấy thứ này, mà biết kiểu rất là học vẹt, và nói thật là tới trước khi sinh bạn Nhím thì mình còn quên sạch mấy cái kiến thức sinh học, cơ thể người mình học hồi cấp 3 ý =))).
Mình biết rất nhiều mẹ tới giờ còn không biết (hoặc ko nhớ) là hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào, có những bộ phận gì, nằm ở đâu luôn, mẹ nào như thế giơ tay điểm danh phát đê .
Thực ra là học mấy cái này từ sớm cực kỳ quan trọng các bố các mẹ ạ. (Nếu mà các mẹ cảm thấy kiến thức về sinh học của mình kém quá thì có thể nhờ trợ giúp của các bố nhé).
- Con (và cả mẹ nữa, tranh thủ ôn bài) sẽ hiểu được cơ thể mình là như thế nào, có những gì, hoạt động ra sao… khi con ăn uống, chạy nhảy, khi con bị bệnh, khi con nóng lạnh…. thì cơ thể sẽ hoạt động thế nào, phản ứng lại làm sao, tự chữa lành như thế nào…
- Từ đó mình sẽ lồng được các bài học, các lời khuyên về chế độ ăn uống (ăn nhiều rau quả, uống đủ nước..), về chế độ sinh hoạt (vì sao phải đi ngủ sớm để cho bạn não không bị mệt..), về vệ sinh cơ thể (vì sao phải đánh răng, phải tắm, phải rửa tay.. để cho các bạn vi khuẩn xấu ko xâm nhập vào người..), về giới tính … và cả về việc dạy con yêu quý và trân trọng bản thân mình nữa.
- Con hiểu được cách thức cơ thể hoạt động và những việc có thể gây nguy hại cho cơ thể, từ đó con sẽ có ý thức tự bảo vệ và chăm sóc bản thân tốt hơn.
Chúng mình có thể bắt đầu các bài học về cơ thể từ lúc các bạn 1 tuổi, bằng việc học các bộ phận bên ngoài, từ những thứ đơn giản nhất như mắt mũi miệng chân tay.
Dần dần chúng mình học thêm những chỗ “hiểm”hơn, như nách, đầu gối, cằm, đốt ngón tay, lòng/mu bàn tay, bàn chân, các loại lông ^^….
Rồi bước tiếp theo là sẽ học về việc các bộ phận (bên ngoài) này sử dụng để làm gì.
Mình và bạn Nhím có trò khá vui đó là chơi đố xem các bộ phận dùng làm gì lần lượt mỗi người nói, và 1 bộ phận có thể làm nhiều thứ rất hay ho nhé, ví dụ như:
- Má thì để hôn này, để “phình” này (phồng má lên xong đập pẹt pẹt í), để chọc chọc này, để đánh phấn nữa này hehe.
- Tai thì ngoài việc để nghe còn để đeo bông tai, để cài bờm, giữ kính chả hạn ^^.
- Ôi bạn bộ phận nào cũng có rất nhiều chức năng ý nhé.
Tới giai đoạn 3 tuổi mình bắt đầu manh nha dạy bạn Nhím về các bộ phận BÊN TRONG cơ thể người.
Lúc đó hên lắm, còn đang loay hoay tìm cách dạy cho bạn sinh động nhất, thì cô hiệu trưởng trường bạn Nhím đi Mỹ chơi, vác nguyên 1 cái mô hình cấu tạo cơ thể người to đùng về cho các bạn ở lớp học và tìm hiểu các bộ phận (mắc lắm, cô giáo siêu chịu chơi hihi). Thế là ở lớp các bạn ý được cô chỉ và dạy lắp ráp vị trí của tim, gan, phèo, phổi, bộ não, bộ phận sinh dục các thứ rồi, về nhà bạn ý kể vanh vách.
Mẹ mừng quá, tranh thủ nhanh chóng đi kiếm và mua được cuốn Human Body về xem (hồi ý ít sách lắm, mò mãi mới được 1 cuốn tàm tạm) và về 2 mẹ con cùng đàm đạo, khúc nào khó quá hỏi ba hoặc bác Google, rồi khi đi tắm mẹ với bạn hay cùng nhau ôn bài chỉ xem các bộ phận ở trong người nằm ở vị trí nào, các bạn đang làm gì… sau đó dần dần bạn đặt ra nhiều câu hỏi hơn, mẹ cũng “sáng tạo” ra nhiều câu trả lời và giải thích dí dỏm hơn để phục vụ bạn.
Sau này mẹ mua thêm cuốn Question & Answer about your Body và cuốn Look inside your Body nữa thì lại càng có nhiều thứ hay ho để cùng nhau hỏi xoáy đáp xoay. Giờ các nhà sách của Fahasa, Phương Nam nhập khá nhiều sách về chủ đề này rồi, các mẹ có thể tìm thử nhé, và hình như có cả sách dịch tiếng việt nữa.
Như tối hôm qua mình với bạn Nhím lôi cuốn “Question and About your body” ra đọc. Cuốn này thiết kế theo kiểu Flip – flap book (Lật giở) với các câu hỏi về cơ thể người như kiểu là Tim nằm ở đâu, tại sao đầu gối lại gập được, có gì trong máu, thức ăn tiêu hóa như thế nào…. Các câu trả lời ngắn gọn kèm ảnh minh họa dễ hiểu.
Tất nhiên là ba mẹ cũng phải trang bị kha khá kiến thức cho mình để có thể giải thích mở rộng hơn cho các bé nữa. Nói là đọc cho bạn chứ thực ra bạn ý đã biết hết câu trả lời rồi, nên mẹ chủ yếu đọc câu hỏi để bạn trả lời, rồi bổ sung thêm vài kiến thức mở rộng hoặc ví dụ minh họa sinh động thêm cho bạn thôi.
Ví dụ như câu hỏi là tại sao cơ thể ta lại có bộ xương? Câu trả lời trong sách thì đại khái là bộ xương giống như bộ khung giúp cơ thể ta vững chắc và bảo vệ các bộ phận bên trong cơ thể. Mẹ lại “chêm” thêm vào là nếu không có bộ xương giữ các bạn thịt, và các bộ phận… cho mình thì người mình sẽ giống như bạn Jelly Monster hay bạn sứa vậy á, con đứng lên 1 cái là sẽ bị chảy èo xuống, rồi ko có bạn xương bảo vệ các bạn tim gan bên trong thì khi con bị ngã, bị đè lên thì các bạn ý sẽ bẹp dúm mất, rồi có khi còn bị bể tung tóe, thế thì sợ lắm nhỉ .
Rồi tới khúc gãy xương chả hạn, mẹ lấy 2 ngón tay trỏ để nối với nhau làm 1 khúc xương chân, rồi sau đó giả vờ bẻ 1 ngón tay lên và bảo xương bị gãy rồi. Thế là bạn Nhím liền giúp mẹ “nắn” xương lại cho thẳng, rồi lấy 2 bàn tay của bạn bọc (nắm chặt) 2 ngón tay trỏ của mẹ lại (giả vờ tay bạn là băng bó hehe) để cố định xương. Rồi bạn gọi các bạn tiểu cầu tới “vá vá vá” chỗ vết gãy xương, xong xuôi “xương” lành lại dính cứng ngắc với nhau. Haha, có trò đó bắt mẹ chơi 3-4 lần.
Rồi tới việc uống thuốc, bạn thắc mắc với mẹ là tại sao con bị sổ mũi, bị ho mà “mẹ không chịu cho con uống thuốc”, mẹ mới bảo bạn là “tại vì trong cơ thể con có các bạn bạch cầu sẽ đánh đuổi các bạn vi khuẩn xấu đi đúng không? Con bị ho sổ mũi là bị bệnh nhẹ thôi, có ít bạn vk xấu thôi nên các bạn bạch cầu có thể xử lý được. Chỉ lúc nào con bệnh nặng quá, có nhiều bạn vi khuẩn xấu quá bạn bạch cầu đánh ko nổi thì mới cần thêm bạn thuốc trợ giúp. Vì bạn thuốc chỉ là bạn ở ngoài nên bạn í ko biết đâu là vk xấu và vk tốt, nên khi bạn ý vào người bạn ý sẽ diệt cả vk xấu lẫn các bạn vi khuẩn dễ thương hay giúp mình, như thế cũng ko tốt lắm. Do đó mình ko tùy tiện dùng thuốc, chỉ khi nào mình đi bác sỹ khám bệnh rất nặng cần bạn thuốc thì mình mới uống thôi”. Thế là bạn Nhím rất vui vẻ và hiểu được việc lúc nào mới cần uống thuốc.
Việc dạy con về cơ thể người, ngoài việc giúp con học các kiến thức như mình nói ở trên, còn có tác dụng cực lớn khác các mẹ ạ. Đó là khi mình tìm hiểu về các kiến thức để giải thích cho con, chính mình cũng hiểu hơn về cơ thể mình, và mình cũng nhận ra rằng mình cần phải yêu thương cơ thể mình hơn, từ đó cũng giúp ích rất nhiều cho việc thay đổi lối sống của bản thân và gia đình mình.
Thế nên, cùng nhau học thôi nhỉ ^^.
MỘT SỐ CUỐN SÁCH TÌM HIỂU VỀ CƠ THỂ NGƯỜI CHA MẸ CÓ THỂ TÌM MUA CHO CÁC CON NHÉ: