Cha mẹ đã thể hiện tình yêu thương với con đủ nhiều?
Chúng ta cần 4 cái ôm mỗi ngày để có thể tồn tại, 8 cái ôm mỗi ngày để duy trì cuộc sống, và 12 cái ôm mỗi ngày để có thể lớn lên.
Chúng ta ở đây bao gồm cả người lớn, và cả các con!
Văn hóa VN nói riêng và các nước Á đông nói chung thường e ngại và dè dặt thể hiện tình cảm qua hành động do bị ảnh hưởng lớn từ những tư tưởng gia giáo phong kiến. Trong rất nhiều gia đình hiện nay, người cha dù rất thương yêu con cái nhưng vẫn thường lẩn tránh, khước từ việc thể hiện tình cảm với con, không dám cưng nựng, ôm ấp con cái vì sợ “mất hình tượng” hay sợ con không coi trọng mình.
Lúc con còn nhỏ, việc ôm ấp con mỗi ngày là việc rất hiển nhiên. Phần lớn các cha mẹ có con dưới 6 tuổi, nhất là con trong giai đoạn 0-3 tuổi cảm thấy đề cập tới chuyện ôm con thì có gì mà to tát. Tuy nhiên khi con cái lớn dần lên, tự lập nhiều hơn, có chính kiến hơn và có nhiều mối quan tâm hơn, thì số lượng những cái ôm cũng ít dần đi, số cuộc nói chuyện cũng ngắn dần, thay vào là những câu ra lệnh, chỉ bảo và trách mocsm
Càng lớn, thì việc ôm ấp, nói lời yêu thương giữa cha mẹ và các con cũng càng trở nên ít dần đi, chúng ta ngại ngùng khi cầm tay mẹ đi dạo, mẹ rụt rè khi đưa tay ra muốn ôm lấy các con, hay cha luôn mang bộ mặt lạnh lùng “chớ lại gần”… Để rồi, sau đó mỗi người lại thèm muốn và khao khát 1 vòng tay, 1 cái ôm thật chặt, một tiếng an ủi vỗ về “có ba mẹ ở đây, có con ở đây”!
Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng nhu cầu được yêu thương là một trong những nhu cầu chủ yếu của con người. Đối với con trẻ, được yêu thương là điều kiện cần thiết để phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần. Được yêu thương thể hiện qua lời nói, qua cử chỉ và hành động của cha mẹ. Con sẽ được thỏa mãn nhu cầu khi thường xuyên được cha mẹ cho biết rằng con rất đáng yêu quý, con cần thiết, con quan trọng với cha mẹ, qua những câu nói yêu thương “Mẹ thật vui khi có con bên cạnh”, “Ba yêu con”, “Thật tuyệt vời vì cha mẹ đã sinh ra con”….
Được yêu thương còn thể hiện qua ánh mắt niềm nở, những cái vuốt ve âu yếm, những cái ôm thật chặt, hay đơn giản là những khoảng thời gian cha mẹ thực sự dành cho con – chỉ riêng con (mà chúng ta gọi tên là Thời gian chất lượng – khoảng thời gian không bị phân tâm bởi điện thoại, những cuộc hợp, những kế hoạch dang dở trong đầu…).
Vậy mà nhìn lại, chúng ta thường dành cho con những gì? Là những lời trách móc vì con lười nhác, không vâng lời, không lắng nghe, không làm vừa lòng cha mẹ. Là những giây phút ngồi bên con nhưng tâm trí lang thang ở nơi khác hay mắt dán vào điện thoại. Là những khoảnh khắc con quanh quẩn bên mẹ còn mẹ thì trách móc “sao con cứ bám riết lấy mẹ vậy, hãy ra kia chơi với ông bà đi”. Hay những lần chúng ta buột miệng “con thật là phiền quá”.
Có lẽ là vô tình hay là thói quen, chúng ta đang ngày càng đẩy con ra xa, và liên tiếp gửi tới con những tín hiệu rằng “bố mẹ không yêu mình, bố mẹ không cần mình, bố mẹ không chấp nhận mình” bằng những cơn cáu gắt nổi giận, những lời cấm đoán, phê phán, hoặc những câu bông đùa không đáng có như kiểu “mẹ hết yêu con rồi”!
Trẻ con không biết bông đùa với tình cảm, cũng không hiểu được nhiều tầng ý nghĩa của mỗi hành động, lời nói.
Một lần ta đẩy con ra khi con nhào vào ôm bố mẹ, là một lần con hiểu rằng “bố mẹ không thích mình”.
Một lần nói với con rằng con thật phiền toái là một lần con nghĩ rằng bố mẹ không cần mình.
Một lần chê trách con là một lần con thấy mình thật kém cỏi.
Và một lần nói rằng bố mẹ không yêu thương con là một lần con bị tổn thương và đánh mất niềm tin vào tình yêu thương.
Rồi đến một ngày, khi chúng ta tiến lại muốn ôm con thì con lại lùi lại, chúng ta lại gần hỏi han và muốn lắng nghe con chia sẻ thì chỉ nhận được sự yên lặng và lời đáp rằng “con ổn”, hoặc khi ta nói rằng “bố mẹ yêu con” thì nhận được một ánh nhìn lạnh nhạt…thì đó chắc hẳn là do chúng ta đã không trao đủ yêu thương cho con khi con cần được yêu thương nhất.
Nếu không muốn những điều đó xảy ra, ngay hôm nay hãy thay đổi cách chúng ta trò chuyện và cư xử với các con, bất kể các con đang ở độ tuổi nào. Con cái luôn đủ bao dung với cha mẹ, chỉ là cha mẹ có cho con cơ hội được yêu thương cha mẹ hay không.
Dưới đây là vài bài tập nho nhỏ các cha mẹ có thể sử dụng để tự nhìn nhận và thay đổi thái độ, hành vì của chính mình nhé:
- Mỗi ngày hãy thử đếm xem bạn đã nói những lời tình cảm với con (câu chào mừng rỡ, khen ngợi, ủng hộ con) bao nhiêu lần. Và đã chê bai, trách móc, phê bình, khiển trách con bao nhiêu lần?
Có một tips là hãy đeo 5 sợi dây thun lên cổ tay, mỗi một lần trách móc con, hãy chuyển 1 sợi dây thun qua tay bên kia, và mỗi một lần khen ngợi, yêu thương con thì chuyển dây chun về lại tay bên này. Nếu số lần có thái độ tiêu cực với con bằng hoặc vượt trộ so với những lúc thể hiện tình cảm thì có vẻ giao tiếp của bạn với con đang có trục trặc.
- Hãy chào đón mỗi khi con đi học về bằng sự niềm nở, vui vẻ, mừng rỡ và cho con thấy rằng bạn mong chờ con xuất hiện như thế nào.
- Hãy ôm con ít nhất 4 lần một ngày, không tính lúc ôm chào tạm biệt và ôm trước khi đi ngủ.
- Hãy dành ít nhất 30p mỗi ngày chơi hoặc trò chuyện với con mà không để việc gì xen vào (điện thoại, chat, công việc, việc nhà v..v…)
- Hãy ghi lại phản ứng của con và cảm nhận của bạn ở mục 2 và 3 và 4.
Yêu thương con vô điều kiện là việc dành cho con tất cả tình cảm, sự ủng hộ trước việc con làm, cái nhìn khách quan trước đam mê con theo đuổi, vòng tay chở che mỗi khi con cần. Tình yêu của mẹ cha không hề bị những đánh giá của những con người ngoài kia làm suy chuyển, không bị những tiêu chuẩn của xã hội đặt ra làm lay động. Bạn đã yêu thương con vô điều kiện chưa?
www.bubuhuong.com/bio