Tính cách và hành vi của trẻ
8 NGUYÊN TẮC CHA MẸ CẦN BIẾT KHI CON CÓ HÀNH VI ĐÁNH – CẮN

8 NGUYÊN TẮC CHA MẸ CẦN BIẾT KHI CON CÓ HÀNH VI ĐÁNH – CẮN

VÌ SAO TRẺ CÓ HÀNH VI ĐÁNH, CẮN NGƯỜI KHÁC?

Vào thời điểm bé được khoảng 2 tuổi, các con bắt đầu xuất hiện các hành vi “hung hăng” như đánh hoặc cắn khi con muốn một điều gì đó, hoặc khi con muốn bảo vệ quyền lợi của mình. Con cũng có thể có những hành động “tấn công” khi con quá phấn khích, khi bị cảm giác lo sợ, nguy hiểm, hoặc khi quá choáng ngợp với các sự kiện xảy ra.

Các phản ứng “hiếu chiến” như đánh, cắn, cấu, đá hoặc ném đồ đạc thường xảy ra do trẻ ở giai đoạn này chưa phát triển khả năng tự kiềm chế. Đối với con sự đồng cảm, khả năng dự đoán các phản ứng có thể xảy ra, khả năng tự trấn tĩnh cũng như khả năng phân tích các sự lựa chọn thay thế còn chưa phát triển và hoàn thiện, do đó rất khó để con có thể kiềm chế, ôn hòa và tự mình chống lại mong muốn “tấn công”, nhất là khi các cảm xúc của con bị đẩy lên cao.

Thông thường, khi các con có những biểu hiện và hành vi hung hăng, cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng, thậm chí tự trách bản thân khi con tự làm đau mình bằng các hành vi này. Cũng có cha mẹ chê trách, tức giận và mắng phạt con vì không tự kiểm soát hành vi của chính mình, gọi chúng là “những hành vi xấu”. Thêm vào đó, cha mẹ bắt đầu lo lắng con sẽ trở thành “nhân vật nguy hiểm” ở trường lớp, ở khu vui chơi, hoặc khi tụ tập với bạn bè ở các bữa tiệc.

Trên thực tế, những hành vi “hung hăng” này ở trẻ chỉ là một giai đoạn mà các con cần phải trải qua để bắt đầu học cách tự quản lý bản thân. Việc học này của con là một quá trình kéo dài và cần rất nhiều sự kiên nhẫn, nhất quán cũng như sự đồng hành thường xuyên của cha mẹ, để giúp con học được cách nhận diện, đối diện và xử lý những cảm xúc bên trong con, cũng như tránh làm đau bất cứ ai.

8 NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG KHI CON CÓ HÀNH VI “ĐÁNH – CẮN”

1. GỌI TÊN CẢM XÚC CỦA CON

Ngay khi thấy con bắt đầu có biểu hiện khó chịu, cha mẹ hãy giúp con gọi tên các cảm xúc lúc này của con bằng cách tính từ. Đồng thời hãy chạm nhẹ vào con để chế ngự sự thôi thúc muốn “sử dụng vũ lực” của con. Dần dần tiến về phía sau con, đẩy nhẹ ở vai và bụng con rồi khích lệ con “Con đang rất TỨC GIẬN vì bạn lấy mất đồ chơi của con, hãy nói với bạn “TỚ ĐANG CHƠI VỚI CHIẾC Ô TÔ ĐÓ” nhé!”

2. HÃY CHÚ Ý NHIỀU HƠN TỚI NGƯỜI “BỊ HẠI” khi CON ĐÁNH – CẮN

Ngay khi xảy ra sự việc, cha mẹ hãy tới hỏi người bạn (hoặc ông bà cô chú) mới bị con đánh/cắn xem họ có ổn không? Điều này sẽ giúp con hiểu rằng khi con có những hành động hung hăng thì con sẽ không phải là người gây được sự chú ý đầu tiên của cha mẹ. Việc cha mẹ “phớt lờ” trẻ, đi tới hỏi han những người “bị hại” trước sẽ làm giảm nỗ lực gây sự chú ý bằng các hành vi tiêu cực và hung hăng từ con.

3. NGĂN CHẶN NGAY LẬP TỨC HÀNH VI ĐÁNH – CẮN

Phản xạ chiến đấu của con đã được kích hoạt ngay từ thời điểm con bắt đầu hành vi “hung hăng”. Do đó, việc quát mắng, chỉ trích chỉ làm tăng thêm mức độ khủng hoảng của con và khiến hành vi trở nên tệ hơn. Thay vào đó, hãy LẬP TỨC tách trẻ ra khỏi môi trường hiện tại, hoặc ít nhất tránh xa “người bị hại”, sau đó ngồi xuống ngang tầm mắt con, đặt tay lên vai con, nhìn thẳng vào mắt con và nói ngắn gọn: “Con ĐÁNH làm bạn ĐAU. Con có thể TỨC GIẬN, nhưng không được đánh bạn”.Hãy nói thật ngắn gọn và dứt khoát. Đừng giảng giải quá nhiều, càng không nên sa đà vào việc chỉ trích hành động của con. Hãy hiểu rằng con chỉ chưa học được cách quản lý các cảm xúc và hành vi của mình, và con cần thời gian.

4. CÙNG ÔN LẠI SỰ KIỆN

Sau khi sự việc đã qua đi, vào thời điểm con đã trấn tĩnh lại và chỉ có 2 mẹ con (hoặc bố & con), cha mẹ hãy cùng con thuật lại câu chuyện và giúp con tìm ra các cách khác nhau, cũng như có thể cùng nhau chơi trò “giả vờ” tình huống và cách ứng xử phù hợp trong trường hợp tương tự. Việc này sẽ giúp con học được cách xử lý tốt hơn trong những lần sau. (Hãy ghi nhớ về sự KIÊN NHẪN và NHẤT QUÁN, bởi không phải chỉ 1-2 lần bé có thể học được ngay cách ứng xử tốt, nhiều bé cần được lặp đi lặp lại rất nhiều lần cho tới khi con có thể nhớ và hành động đúng)

5. HÃY CHÚ Ý NHIỀU TỚI CÁC ĐIỀU TÍCH CỰC TỪ CON

Phần lớn các hành động của trẻ ở giai đoạn này mang mục tiêu nhận được sự chú ý của người khác, dù sau đó con có thể nhận về các phản ứng tích cực (ôm hôn, khích lệ, cười, khen..) hoặc tiêu cực (mắng mỏ, chỉ trích, đánh, phạt…) từ cha mẹ. Nếu cha mẹ càng phản ứng mạnh mẽ và tập trung quá nhiều thời gian, cảm xúc vào các hành vi hung hăng của con, con sẽ dễ nhầm lẫn rằng đây là 1 hành động dễ lấy được sự chú ý từ cha mẹ, và khiến cho con càng sử dụng các hành vi này nhiều hơn. Vì vậy, hãy chú ý tới con nhiều hơn, tập trung ghi nhận và khen thưởng ngay các hành vi tích cực từ con, cũng như phản ứng 1 cách bình tĩnh, nhẹ nhàng và không coi trọng các hành vi tiêu cực, hung hăng của con. Cha mẹ sẽ nhận về từ trẻ các hành vi mà cha mẹ chú tâm nhiều hơn, do đó hãy lựa chọn chú ý tới các hành vi tích cực của con nhé.

6. GHI NHẬN CÁC HÀNH VI TỐT

Cha mẹ hãy học thói quen ghi nhận mọi khoảnh khắc khi con có các biểu hiện của sự tử tế, chia sẻ, khi con chơi hòa thuận với bạn bè, khi con có các cử chỉ yêu thương với mọi người. Hãy nói với con rằng “con đã chia sẻ cho bạn mượn 1 chiếc ô tô để cùng chơi” và chỉ cho con thấy những hành động đó khiến người khác cảm thấy như thế nào “bạn rất vui khi con cho bạn mượn ô tô và chơi cùng với nhau đấy”.

7. TÌM KIẾM NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG KHÁC KHIẾN CON CÓ HÀNH VI ĐÁNH, CẮN

Có nhiều thời điểm khi trẻ bị đói, mệt, buồn ngủ, quá kích thích, quá nóng/quá lạnh, bị khó chịu (do quần áo, môi trường..) cũng khiến con có thể trở nên cáu gắt, bực bội và phát tác các hành vi hung hăng. Giai đoạn này con chưa phát triển hoàn thiện về nhận thức, ngôn ngữ, cách diễn đạt, do đó con không tự nhận ra được chuyện gì đang khiến mình khó chịu, hoặc diễn đạt/yêu cầu điều con mong muốn. Vì vậy, thiết lập một trình tự sinh hoạt, nề nếp ổn định cho con, đảm bảo giờ giấc và chất lượng ăn – ngủ cũng như chú ý tới các yếu tố môi trường xung quanh con cũng giúp rất nhiều trong việc giảm thiểu các hành vi hung hăng ở trẻ.

8. SỬ DỤNG CÁC THẺ BÌNH TĨNH

Cha mẹ có thể vẽ hoặc thiết kế ra một bộ thẻ các hành động tích cực con có thể làm để giải tỏa cảm xúc của bản thân thay vì sử dụng “bạo lực”, ví dụ như: đếm từ 1-10, tự ôm bản thân, ôm gấu bông ghiền, chạy tới đề nghị cha mẹ mong muốn của mình, kể sự việc với người lớn, chơi với một bạn khác… Sử dụng các thẻ hình ảnh sẽ giúp con ghi nhớ và có các phương án phản ứng trong các trường hợp nhạy cảm.

Mình có thiết kế 1 bộ thẻ bình tĩnh dành tặng cho cha mẹ, các bạn có thể tải về, in ra và hướng dẫn con tập luyện hàng ngày nhé. Để tải file, cha mẹ có thể đăng ký tại link này nhé: https://bubuhuong.com/the-binh-tinh/

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

You cannot copy content of this page!

0
Hãy để lại lời nhắn hoặc câu hỏi bên dưới nhé!x
()
x
%d bloggers like this: