3 MẪU CHA MẸ CHÚNG TA NÊN TRÁNH TRỞ THÀNH
Mình có một vài nhóm chat kiểu “chị em cây khế”, vừa là tán nhảm, vừa là công việc, vừa lại là cùng nhau học tập, trao đổi những điều hay lẽ phải. (Và rất nhiều lúc là cả hóng drama từ bỉm sữa cho tới chuyện thế giới 😃)
Một trong những đề tài được đề cập đến thường xuyên nhất, đương nhiên là chuyện con cái. Mà bây giờ cũng qua rồi cái thời bỉm bỉm sữa sữa, ăn ăn ngủ ngủ, đã tới cái thời mà chúng tôi bàn luận những chuyện “hệ trọng” và “nghiêm túc” hơn nhiều, như là làm nào để chơi với con mà không nổi điên, nói chuyện với con như thế nào để vừa tỏ ra được uy lực của người làm mẹ mà vẫn đủ hiền từ và ngang bằng với con (xoắn quẩy vch).
Trong những câu chuyện vừa có phần nghiêm túc, lại vừa đan xen những drama và những trận cười muốn téc đũng quần ấy thì mình thường điểm ra được kha khá hình mẫu cha mẹ điển hình từ tốt tới.. chưa tốt lắm.
Gần 10 năm làm nghề với cha mẹ trẻ em, thêm vài năm làm nghề Sinh trắc vân tay – thấu hiểu con người, mình thực sự thấm thía rằng việc giao tiếp với con phù hợp và đúng cách là CHÌA KHÓA VẠN NĂNG để giải quyết mọi mâu thuẫn và những trận cáu giận không hồi kết giữa cha mẹ và con cái – Ở MỌI LỨA TUỔI.
Trong bài này mình sẽ điểm ra 3 trong số vô vàn hình mẫu cha mẹ mà mình thấy rất hay gặp, tuy nhiên lại là những hình mẫu mà chúng ta nên tránh, hoặc nếu lỡ đã và đang thấy hình bóng mình trong đó thì cùng nhau thay đổi nhé.
1. HÌNH MẪU CHA MẸ “MẮC NÓI”
Xung quanh mình rất nhiều bà mẹ “mắc nói”. Đấy là cái tên vui vui mình dành tặng cho hội chị em thích nói, nói dai nói dài, nói bất kể có khán giả hay không :D. Và kéo theo đó tất nhiên cũng sẽ có những cha mẹ “mắc nói”:
✅ Khi thấy con đang loay hoay chơi 1 món đồ chơi mới, cha mẹ “mắc nói” hay xông ngay vào chỉ dạy “con phải làm thế này này, như này mới đúng, không được để vào đây, không được lắp thế này…”
✅ Khi con đang cố gắng thử làm 1 việc gì đó hơi “quá sức”, cha mẹ “mắc nói” lại xông vào ngăn cản “con không làm được đâu, cái này khó lắm”, hoặc lại giảng giải “phải làm như thế này, thế kia…”
✅ Khi con kể cho mẹ nghe về một rắc rối hoặc sự bực dọc nào đó với bạn bè, cha mẹ “mắc nói” sẽ ngay lập tức “theo bố/mẹ thì con nên giải quyết vấn đề như thế này”, “sao con không làm abc, sao con không nói với bạn xyz…”
✅ Vân vân mây mây các tình huống từ cha mẹ “mắc nói”
👉 GIẢI PHÁP CHO CHA MẸ:
HÃY DẸP CÁC LỜI KHUYÊN, KINH NGHIỆM của bạn qua một bên. Mỗi ngày, mỗi lần chỉ cần dừng lại, chậm lại vài giây trước khi cất lời, rồi lên vài phút, dần dần bạn sẽ học được cách lắng nghe nhiều hơn.
Hãy QUAN SÁT CON, LẮNG NGHE câu chuyện của con, hãy cho con có khoảng thời gian được THỬ - SAI, được tư duy, được suy nghĩ và tự mình tìm ra giải pháp.
Khi thấy con có vẻ chưa thể tự mình tìm ra được hướng giải quyết, lúc này thay vì đưa ra lời khuyên ngay, cha mẹ có thể bắt đầu KHƠI GỢI cho con bằng cách đặt các CÂU HỎI MỞ: "Mình thử xoay nó lại xem sao nhỉ?" "Con thử đổi bên xem có hiệu quả hơn không?" "Con đang cảm thấy như thế nào?" "Theo con thì cách giải quyết nào sẽ hợp lý nhỉ?" "Bố mẹ có thể giúp gì con không?"
- Hoặc khi thực sự muốn đưa ra lời khuyên/sự giúp đỡ cho con, hãy bắt đầu bằng việc hỏi ý kiến con trước: ‘Con có muốn nghe lời khuyên của bố mẹ không?”, “Con có muốn mẹ hướng dẫn con lắp đồ chơi này không?”.
Theo các nghiên cứu khoa học, việc bạn hỏi đối phương có muốn lắng nghe lời khuyên của mình không cũng sẽ giúp mọi thứ trở nên dễ dàng và cởi mở hơn.
2. CHA MẸ LO LẮNG THÁI QUÁ
Lần đầu làm cha mẹ, nuôi nấng một sinh linh bé nhỏ, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng luôn mang một cảm giác lo lắng và xót xa mỗi khi con gặp chuyện gì đó không như y muốn. Tuy nhiên, cha mẹ có biết rằng cảm xúc của cha mẹ chính là chất xúc tác cho mọi cảm xúc của con không?
Mình biết rất nhiều bà mẹ, mỗi khi con cất tiếng khóc là trở nên cuống quýt, rối như tơ vò, miệng liên tục “mẹ đây mẹ đây mẹ đây, đừng khóc đừng khóc đừng khóc” với 1 tốc độ mà phát thanh viên truyền hình cũng phải chào thua.
Mẹ có biết không, sự lo lắng, hối hả và lời kêu gọi “đừng khóc” đó của mẹ lại khiến con cảm thấy không hề an tâm chút nào cả mẹ ạ. Những lúc này chỉ cần mẹ bình tĩnh, vỗ về con, nói thật chậm và thủ thỉ “Mẹ ở đây con yêu, mẹ đang thay bỉm cho con, hơi lạnh 1 chút nhưng mọi chuyện sẽ ổn ngay thôi” – mình tin chắc rằng con sẽ bình tâm lại rất nhanh sau đó.
Rồi mình còn gặp rất nhiều cha mẹ, thấy con leo trèo 1 chút là hét toáng lên “ĐỪNG, CẨN THẬN TÉ!!!” – đứa trẻ nhiều khi chưa ngã vì leo trèo, mà ngã vì giật mình bởi tiếng hét.
Có những cha mẹ, mới thấy con đang lúng túng, rụt rè trước 1 điều gì lạ lẫm, là ngay lập tức kéo con lại tra hỏi “con sao thế? Nói cho mẹ nghe, con sợ gì? Ai bắt nạt con? Con bị làm sao?…” Nhiều khi chính sự lo lắng của bạn mới làm con cảm càng cảm thấy bất an hơn, và thấy rằng thế giới quả thực rất đáng sợ!!
GIẢI PHÁP cho cha mẹ là HÃY THƯ GIÃN và BÌNH TĨNH, đặc biệt là hãy học cách làm chủ cảm xúc trên khuôn mặt của mình. Đôi khi bạn cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng đôi chân mày nhíu lại, ánh mắt lo lắng, tay chân quơ quào .. con cũng có thể cảm nhận được.
Nên hãy thực sự học cách làm chủ những cảm xúc của mình, trước hết vì bản thân, sau là vì con, để con biết rằng CHA MẸ MÌNH luôn là 1 chỗ dựa bình an và vững chãi, để con học được sự bình tĩnh vượt qua mọi thử thách và chông gai cuộc đời 🙂.
3. CHA MẸ BAO BỌC và ĐỔ LỖI
Trong các bài viết về cha mẹ, có một khái niệm về “Cha mẹ trực thăng cứu hộ” (hay cha mẹ xe cứu thương khẩn cấp”), ám chỉ những cha mẹ đứng ra xử lý tất cả các vấn đề hộ con cái, và sẵn sàng đổ mọi tội lỗi lên người khác chứ không phải con mình.
Cách làm này vô tình tạo nên một thế hệ trẻ luôn coi mình là “cái rốn của vũ trụ” và thiếu sự tự lập cũng như tư duy giải quyết vấn đề. Cái gì cũng có ba mẹ giải quyết, cái gì cũng không phải do lỗi của mình, muốn cái gì ba mẹ – hoặc tất cả mọi người phải đáp ứng cho mình.
Khi con còn nhỏ, còn ở trong vòng tay của cha mẹ và các vấn đề chỉ gói gọn trong những mối quan hệ nhỏ hẹp, thì kiểu cưng chiều này chưa dẫn đến nhiều hệ quả. Tuy nhiên khi con lớn hơn, vào đời, đi làm và có các mối quan hệ mở rộng hơn, thì thói quen này khiến con rất khó hòa nhập trong các mối quan hệ, cũng như không biết cách tự giải quyết các rắc rối của mình, càng không thể tự nhận ra được vấn đề do bản thân mình gây ra để sửa sai và hoàn thiện.
Giải pháp là:
- Hãy quán triệt rõ rằng đâu là vấn đề của trẻ và con sẽ cần tự đối mặt, xử lý chúng. Bạn cũng sẽ bắt đầu hỏi con bằng những câu hỏi nhỏ để kích thích khả năng tự xử lý vấn đề của trẻ: “Con sẽ định làm gì tiếp theo? Con có nghĩ ra cách nào để cải thiện việc này không?”.
- Nếu trẻ muốn bạn đưa ra lời khuyên, cũng đừng vội nói ra mà hãy tập gợi ý nhỏ giống như cả bố mẹ và trẻ đang tập động não xử lý vấn đề cùng nhau vậy. Với hành động này, bạn còn tập cho trẻ sự tự tin và xây dựng niềm tin rằng con có thể tự mình xử lý vấn đề này.
- Ngay cả khi quyết định của trẻ không chính xác đi chăng nữa, bạn cũng đừng vội chỉnh nếu trong lựa chọn đó không có gì quá nghiêm trọng, hãy để cho trẻ tự thẩm định lại trải nghiệm của mình sau khi trải qua vấn đề đó.
Điều này sẽ giúp con chủ động hơn trong việc xử lý vấn đề, rằng con luôn luôn có thể thử bất cứ cách nào con muốn ngay cả khi ý tưởng đầu tiên không thành công đi chăng nữa, con sẽ học cách tự đứng dậy và thử lại.
Trên đây là 3 trong vô số hình mẫu cha mẹ mà chúng ta nên tránh trở thành mà mình hay gặp. Bạn có (từng thấy) mình ở trong đó không? Hãy cùng chia sẻ câu chuyện của bạn và cách bạn sửa đổi những điều này nhé!