Tính cách và hành vi của trẻ
10 điều nên làm KHI CON NỔI GIẬN

10 điều nên làm KHI CON NỔI GIẬN

Mình thường nghe nhiều bậc cha mẹ than phiền về việc các bé ở nhà rất dễ nổi giận, cáu gắt, thậm chí đánh người, đánh bạn, ném đồ khi không vừa ý.

Thực tế thì, người lớn cũng rất hay nổi giận và khi cáu lên cũng hành xử rất “xấu xí”. Người lớn tự cho mình được quyền nổi giận. Còn trẻ em khi nổi giận thì lại bị đánh giá là con “hư”, “khó bảo”.

Có một thực tế rằng các hành vi của trẻ đều là sự sao chép, bắt chước và phản chiếu lại từ hành vi của cha mẹ và những người xung quanh con. Nên nếu con thường xuyên nổi giận, trước tiên ba mẹ hãy tự suy nghĩ lại xem bản thân mình có thường xuyên cáu giận? Những người trong gia đình mình có ai hay nổi giận? Hoặc tìm hiểu ở lớp, cô giáo, bạn bè trẻ có ai hay nổi giận và có những hành vi cục cằn hay không?

5 giai đoạn của một cơn giận dữ ở trẻ em

  1. Cơn giận bùng phát: Trẻ bắt đầu bằng việc la hét, ném đồ đạc.
  2. Tức giận và thất vọng: Trước đây, các chuyên gia thường cho rằng cảm giác thất vọng thường tới sau khi bùng phát cơn giận. Nhưng gần đây, các chuyên gia nhận thấy rằng sự bùng phát và cảm xúc thất vọng (khóc lóc, mè nheo, thút thít) thường đan xen với nhau. Chúng ta thường có xu hướng chỉ nhận thấy cơn giận của trẻ khi trẻ giận dữ chứ không thấy rằng nguy cơ bùng phát cơn giận khi trẻ khóc lóc, mè nheo.
  3. Nguôi giận. Nếu bạn chưa thấy con nguôi giận – đừng cố gắng vỗ về con. Hãy để con thấy dễ chịu, con cần phải nguôi cơn giận trước. Nếu bạn bế con khi con vẫn còn giận, con sẽ quay lưng lại với bạn. Lúc này con sẽ không muốn bạn vỗ về. Điều này tương tự như khi bạn vẫn còn giận chồng/vợ của bạn, cô ấy/anh ấy vỗ về bạn thì bạn sẽ có phản ứng gay gắt theo kiểu “Đừng có động đến tôi”.
  4. Cần sự vỗ về. Khi trẻ nguôi giận, trẻ sẵn sàng cần đến sự giúp đỡ của bạn. Sau khi mất kiểm soát, trẻ cần được an ủi vỗ về. Lúc này, bạn có thể ôm trẻ, hôn trẻ và thừa nhận cảm xúc của trẻ.
  5. Tiếp tục như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trẻ không khóc và chuyển thái độ nhanh hơn người lớn. Trong khi bạn thấy chưa “hoàn hồn” với cơn giận kinh khủng của trẻ thì con bạn đã chơi vui vẻ trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

10 điều cần làm khi con nổi giận

  1. Khi xảy ra sự việc, cần NGAY LẬP TỨC ngăn cản hành động của con lại MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG. Nếu có thể hãy đưa con tránh ra khỏi môi trường đang làm con nổi giận. Thường thì mình sẽ NGỒI XUỐNG ngang tầm mắt con, nhìn sâu vào mắt con và giữ cánh tay con. Sau đó chờ 1 chút để con bình tĩnh lại. Nhiều mẹ vì ngại (với khách hoặc ở ngoài đường, nhà hàng..) nên chờ tới khi về nhà, tối đi ngủ mới nhắc lại và xử lý. Điều này là không nên làm vì qua thời gian quá lâu, bé đã quên và ko muốn nhắc tới nữa nên sẽ không hiệu quả.
  2. Quan sát và phỏng đoán xem chuyện gì đã xảy ra, nguyên nhân dẫn tới cơn giận dữ của bé, ai là người làm sai, hành vi của bé và những người xung quanh có gì đúng/sai?
  3. Đặt tên và công nhận cảm xúc của bé. “Mẹ thấy là con đang rất giận dữ/buồn phát khóc vì … (nguyên nhân bạn đã đoán ra ở 2.), và con đánh bạn (cô, chú, ông bà..)/la hét lên để….. có phải ko nhỉ? Theo con, mình làm như vậy có lịch sự không? Bạn (cô, chú, ông bà..) có vui không nhỉ?…“. Sau đó đề nghị rằng mẹ sẽ ở cạnh con để con bình tĩnh lại và tiếp tục nói chuyện.
  4. Đề nghị bé tường thuật lại sự việc bằng cách gợi ý (chứ không phải ép buộc) “con có muốn kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra không? Con và bạn đang làm/chơi gì? Rồi sau đó thì sao?…”. Nếu bé chưa nói sõi hoặc ko muốn kể/ hoặc cố tình kể sai, bạn có thể dựa vào phán đoán của mình ở 3. để tường thuật lại “theo mẹ thấy thì con và bạn đang chơi thế này… rồi bạn vô tình làm rơi đồ của con/giằng đồ của con, và con cảm thấy tức giận…”
  5. Chỉ ra hành động đúng/chưa đúng của con và những người liên quan: “Bạn lấy đồ chơi của con mà không hỏi con như vậy là không tốt. Và mình cũng tức giận quá mà đánh bạn cũng không tốt. Con làm như vậy sẽ làm bạn bị đau và buồn lắm..”
  6. Hỏi con cách giải quyết (đối với bé lớn) hoặc giúp con đưa ra cách giải quyết theo hướng hòa bình, và khẳng định lại đánh đấm hay la hét không phải là cách giải quyết và không lịch sự. “Vậy con nghĩ bây giờ mình nên làm gì?” “Bây giờ mình sẽ vào nói với A là A ơi lần sau A đừng có giật đồ chơi của N nữa nha, rồi 2 bạn xin lỗi nhau và chơi với nhau tiếp được không?”.
  7. Buổi tối hoặc những lúc rảnh rỗi nói chuyện, mẹ có thể ÔN LẠI bài, hỏi lại con về sự việc đã xảy ra, ai đã làm sai gì, làm như vậy thì mọi người sẽ cảm thấy thế nào, mình đã xử lý như thế nào, kết quả ra sao… Sau đó đưa ra một vài tình huống tương tự khác, cùng phân tích như trên và hỏi con mình nên làm thế nào. Đối với bé nhỏ chưa nói sõi, mẹ có thể tự đưa ra tình huống và cách xử lý gợi ý cho bé. “Nếu chuyện như thế xảy ra mẹ nghĩ rằng con nên làm vầy vầy vầy… như thế sẽ ko ai bị đau/buồn mà con cũng không còn thấy giận nữa.”
  8. Dạy con một vài cách “xả” cơn tức giận: Đấm đá vào những vật mềm như gối, ghế đệm.. ném những vật mềm, vì nó sẽ ko làm ai đau. Tìm 1 góc vắng người để hét lên hoặc khóc òa. Tìm 1 người để tâm sự chia sẻ (tốt nhất là mẹ ^^). Dạy con 1 vài cách xử lý khi bị bạn hành động xấu: Nói bạn DỪNG LẠI, KHÔNG ĐƯỢC LÀM VẬY, con không thích như vậy… Tránh xa bạn ra. Dừng chơi với bạn. Báo với người lớn…
  9. Những cơn cáu giận, đánh người của trẻ thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng sinh lý do sự phát triển về thể chất của trẻ. Việc định hướng đúng và giải thích cặn kẽ cho con về hậu quả của những việc làm này sẽ tốt hơn là chỉ trích (con hư quá) hay ngăn cấm (đừng có làm như thế) mà không có lời giải thích cho con.
  10. Cuối cùng, mình xin nhắc lại, chuyện con tức giận, cáu gắt là rất bình thường, người lớn chúng mình cũng thường xuyên khó chịu, cáu gắt, bực bội và chúng ta cần được giải tỏa, các con cũng vậy.

KẾT LUẬN

Để giảm bớt những cơn cáu giận của trẻ cũng như dạy con quản lý cảm xúc bản thân một cách tích cực, cha mẹ nên ghi nhớ:

  • Hãy chý ý lắng nghe và hiểu con hơn, hãy giải thích, dẫn đường cho con.
  • Hãy tìm cách để giúp con tự xử lý những cơn nóng giận thay vì chỉ trích và ngăn cấm con không lý do.
  • Đừng vô cớ can thiệp thô bạo vào câu chuyện của con.
  • Và cuối cùng, hãy làm gương cho con. Nếu ba mẹ suốt ngày la hét và cáu giận, đừng hỏi tại sao con cũng suốt ngày cáu giận và la hét với mọi người ^^.

Tham khảo

Một vài cuốn sách hay giúp cha mẹ hiểu và giao tiếp với con tốt hơn: (Click vào tên sách để xem chi tiết và đặt sách qua Fahasa)

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận

You cannot copy content of this page!

0
Hãy để lại lời nhắn hoặc câu hỏi bên dưới nhé!x
()
x
%d bloggers like this: